Dự án Understanding FPT Culture thành lập tháng 5/2020, với mong muốn nghiên cứu về văn hóa FPT bằng một cái nhìn tổng quan, có hệ thống và được soi chiếu bởi lý thuyết quản trị. Công trình thực hiện nhân kỷ niệm FPT tròn 1/3 thế kỷ thành lập (13/9/1988-13/9/2021).
Dạy Văn hóa FPT là dạy gì?
UFC không có mục đích gieo cấy các giá trị văn hóa FPT cho người FPT, và cũng không đưa ra hình mẫu hay lời khuyên cho người ngoài FPT. Môn UFC có mục đích giúp người học có một con mắt hoàn toàn mới về VHDN, hiểu được môn khoa học này. Khi đó, họ có thể mô tả, giải thích, dự báo và thay đổi các thành phần VHDN mà họ liên quan. Cũng như khi bạn hiểu về tâm lý học, bạn sẽ có cái nhìn mới về hành vi của mọi người. FPT được sử dụng như một “ca” nghiên cứu, một đối tượng với hơn 30 năm theo dõi và ghi chép.
UFC dựa trên hai nền tảng:
- Lý thuyết về văn hóa của tổ chức của Edgar Schein
- Thực tiễn hình thành và phát triển của FPT – công ty tiêu biểu về VHDN ở Việt Nam
Học nguyên lý không phải là nghe kể chuyện. Người học sẽ cần suy ngẫm, đối chiếu những trải nghiệm của bản thân với lý thuyết. Người học cũng được khuyến khích tìm hiểu rộng ra ngoài khuôn khổ môn học.
Trong quá trình xây dựng môn học này, nhóm soạn thảo đã trực tiếp trải nghiệm việc mô tả, giải thích và thậm chí cả dự báo các sự việc ở FPT. Chúng tôi thích thú khi thấy sự tương đồng giữa ngầm định VHDN với vô thức của tâm lý con người, các giai đoạn phát triển tổ chức với tâm lý học phát triển từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành, ảnh hưởng của nhiệm vụ thích ứng bên ngoài đến VHDN với nhu cầu sinh tồn của một người, v.v. Chúng tôi rất mong các bạn cũng có những khám phá thú vị như vậy khi học môn này.
Vì sao UFC chọn mô hình văn hóa tổ chức của Edgar Schein?
Mô hình ba cấp độ văn hóa của Schein – được trình bày trong cuốn sách Organizational Culture and Leadership của Edgar Schein là mô hình được công nhận rộng rãi trong lĩnh vực văn hóa của Tổ chức, được tác giá liên tục phát triển, cập nhật. Nhận thấy sự tương thích về cách tiếp vấn đề, chúng tôi đã xây dựng chương trình UFC dựa trên lý thuyết được ông trình bày trong cuốn sách này.
Cách tiếp cận của Schein mang tính khoa học chặt chẽ, kèm theo nhiều diễn giải về phương pháp luận của tác giả, do đó có sức thuyết phục cao. Mô hình này giúp hệ thống hóa các sự việc, hiện tượng, v.v. của FPT và cho một cái nhìn hệ thống, thấu hiểu.
Xem thêm về Edgar Schein và mô hình văn hóa tại đây.
Thành viên
Nguyễn Thành Nam
Giám đốc dự án
Thành viên Hội đồng Sáng lập FPT, gắn bó với lịch sử phát triển của FPT từ thời kỳ đầu. Có khát khao đưa toàn bộ những kinh nghiệm, triết lý quản trị, văn hóa FPT thành một “pho sách” để truyền lại cho các thế hệ FPT kế cận, anh từng theo đuổi nhiều dự án như FSoft Leadership Institute, FPT Way… và quyết tâm hoàn thành công trình đặc biệt UFC nhân dịp FPT tròn 1/3 thế kỷ.
Phan Phương Đạt
Thiết kế chương trình
Giữ nhiều vị trí quan trọng tại FPT và nổi tiếng với khả năng hệ thống hóa mọi thứ rối rắm nhất vào một cấu trúc logic. Anh là người thiết kế chính chương trình UFC với một nhiệm vụ phi thường: sắp xếp toàn bộ những “tinh hoa” FPT vốn tồn tại theo phong cách “trăm hoa đua nở” vào hệ thống lý thuyết quản trị chuẩn xác của Edgar Schein.
Nông Bích Vân
Thư ký dự án
Lơ ngơ giơ đầu ra máy chém, vô tình xuất hiện đúng lúc dự án đang cần triển khai và bất thình lình trở thành thư ký.