“Các anh ngu bỏ mẹ” là truyền thuyết hay được nhắc đến nhất của FPT. Từ câu chuyện này, nhiều kết luận về văn hóa doanh nghiệp FPT được đưa ra, kèm theo các khuyến cáo dai dẳng. Đến mức, CEO KhoaNV có lần phải lên báo giải thích “Nói FPT có văn hóa chửi sếp là không đúng đâu”.
Các truyền thuyết là một cơ chế gieo cấy văn hóa doanh nghiệp, vì các câu chuyện có sức lan tỏa lớn. Nhưng theo Edgar Schein, về hiệu quả, nó chỉ xếp thứ 11 trong số 12 cơ chế. (Độc giả có thể tò mò, cơ chế đội sổ là gì? Xin thưa, là các loại … tuyên bố chính thức của công ty về giá trị cốt lõi này nọ!). Hơn nữa, Schein cũng cảnh báo rằng, chớ nên luận ra bản chất văn hóa doanh nghiệp từ các câu chuyện kể, vì khả năng nhầm lẫn rất lớn!
Nhưng, đúng là anh TienHN đã nói câu đó, và đúng là sau đó anh đã được tín nhiệm và thành công. Vậy, câu chuyện thực sự đằng sau là thế nào? Và nó thể hiện văn hóa gì của FPT?
Anh TienHN kể, anh đã nói câu đó trong năm đầu tiên vào FPT, ở một cuộc họp do anh Bình chủ trì bàn về cuộc chiến giữa máy in kim hiệu Star và Epson. Theo lời anh, câu đó buột ra trong lúc anh đang bốc, anh Bình hơi sững người nhưng đã tiếp tục nghe.
Chí ít là ngờ nghệch khi cho rằng anh Bình tin và giao vai trò phụ trách cho anh TienHN chỉ vì câu nói ấy. Ngược lại, khoảng 2 năm sau, khi FPT lần đầu tổ chức thành các đơn vị chuyên biệt, anh Bình vẫn chưa tin tưởng anh TienHN.
Bây giờ đánh giá lại, các cán bộ kỳ cựu FPT đều cho rằng đợt cải tổ đó (12/94) là cú hích đầu tiên để công ty phát triển. Các đơn vị như FIS, FSS (mà FSOFT sau này tách ra), FOX (sau này là FPT Telecom) và các đơn vị phân phối đều bắt nguồn từ đó. Với tư cách thủ lĩnh, anh Bình đã thể hiện sự tin tưởng các cộng sự của mình và để họ toàn quyền chịu trách nhiệm cho phần việc họ nhận.
Quay trở lại trường hợp anh TienHN, khi đó thâm niên mới 2 năm. Dù tỏ ra rất triển vọng, nhưng anh chưa được anh Bình tin cậy đủ để giao một đơn vị. Lúc ấy, anh TienLQ (CFO) đã đứng ra nhận, và tất nhiên anh Bình đồng ý.
Đến hôm nhận quyết định, anh TienLQ lên bục cầm quyết định bổ nhiệm GĐ đơn vị mới rồi đưa ngay cho anh TienHN trước mặt tất cả, nói: “từ giờ em toàn quyền việc này, nếu có vấn đề gì anh chịu”.
Nếu câu nói của anh TienHN khi đó thể hiện văn hóa nói thẳng, bao dung của FPT, thì hành động của anh TienLQ thể hiện văn hóa tin cậy, khi mà để hoàn thành được công việc, quan hệ tin cậy cá nhân quan trọng hơn địa vị và quyền thưởng phạt. Tên riêng và con người cụ thể quan trọng hơn chức danh. Và khi có chuyện, lãnh đạo không chỉ nghe vấn đề, mà nghe cả con người.
Văn hóa tin cậy này đã giúp FPT và các công ty con tìm được những người giỏi và phát triển nhanh.
Phan Phương Đạt