FPT Telecom ra đời như thế nào?

Giới thiệu. Trong bài phỏng vấn trên Dân trí đăng ngày 28/12/2021, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhắc đến “bốn bước ngoặt quan trọng” là: xuất khẩu phần mềm, góp phần xóa bỏ độc quyền viễn thông, lập trường đại học, và chuyển đổi số. Trong đó, ba thứ đầu tiên đã được khẳng định trên thực tế, cái cuối cùng vẫn cần thêm thời gian để nhìn được kết quả bền vững.

Câu chuyện XKPM được Nguyễn Thành Nam kể nhiều, câu chuyện Đại học còn chờ được những người sáng lập như Lê Trường Tùng và Nguyễn Khắc Thành kể lại đầy đủ. Còn câu chuyện xóa bỏ độc quyền viễn thông đã được Trương Đình Anh kể lại trong bài sử ký viết năm 2008, nhân dịp 20 năm FPT.

UFC xin giới thiệu toàn bộ bài viết.

GIA NHẬP FPT
Trương Đình AnhTổng Giám đốc TPT Telecom

Theo lời khuyên của anh Hoàng Minh Châu (ChâuHM – PTGĐ FPT), tôi cũng thử viết một bài sử ký về những gì mình đã sống và làm việc ở FPT 13 năm qua. Trước đây, tôi chưa bao giờ viết sử ký, nhưng nhờ sự bao che của chị Vũ Thanh Hải (HảiVT@ – Tổng Biên tập Báo Chúng ta), tôi vẫn luôn nhận đủ tiền thưởng 13 tháng 9 cho dù anh Trương Gia Bình giơ cao lưỡi hái cắt thưởng đối với các sử gia bất đắc dĩ.

Gia nhập FPT 1993

Người FPT đầu tiên tôi gặp chính là anh Bùi Quang Ngọc (NgọcBQ – PTGĐ FPT) – cách đây 13 năm. Lúc đó tôi là nhân viên Trung tâm Máy tính – Ngân hàng Công thương VN – một trong các khách hàng rất quan trọng của FPT hồi bấy giờ. Anh NgọcBQ cũng không khác nay là mấy, quần áo khi đó xộc xệch hơn và anh xách một cái cặp diplomát cũ mà sau này các đội FPT Service hay mang theo để đựng đồ nghề sửa chữa máy tính. Anh NgọcBQ được giới thiệu là giáo sư máy tính hàng đầu, thầy dạy của hàng đống nhân tài FPT và nhiều công ty khác.

Vài tháng sau, tôi được mời đi dự Đại lễ hội FPT 5 năm – 13/09/1993 tổ chức ở Hồ Tây, một tháng sau tôi trở thành nhân viên của anh NgọcBQ. Lúc đầu Anh NgọcBQ không dám nhận tôi vì sợ làm mếch lòng khách hàng lớn, sau rồi, thấy tôi lập trình tít, anh nhận tôi để đi làm dự án cho chính Ngân hàng Công thương.

Tôi nhập vào đội ISC ở Giảng Võ – Ăn cơm Hòa (chị Hòa – FAD – FPT) nấu và thi thoảng làm cửu vạn bốc vác máy tính cho các anh kinh doanh ISC. Chúng tôi ăn cơm theo công thức: của chung ăn trước, của riêng ăn sau – tức là những gì của chung như cơm, canh thì phải ăn thật nhanh kẻo hết còn thức ăn mặn đã chia riêng từng đĩa thì có thể ăn sau từ từ. Có lẽ công thức này phù hợp với thể trạng của tôi nên chỉ trong vòng vài tháng tôi tăng cân từ 50 lên 60 kilô.

Tôi đã không nhầm, anh NgọcBQ quả là ông sếp hào phóng nhất trong cuộc đời làm nhân viên của tôi, Tết năm ấy, anh gọi tôi đến văn phòng của anh, đưa cho tôi phòng bì tiền thưởng dày mà những năm tiếp theo, mặc dù tự thấy mình đóng góp nhiều hơn cho công ty nhưng chưa bao giờ tôi đếm được nhiều hơn phần nửa năm ấy. Sau này tôi mới biết, đó là năm cuối cùng của Trung tâm Dịch vụ Tin học ISC – cái nôi của hầu hết các GĐ FPT ngày nay, còn tôi được may mắn tham gia vào sự kiện thanh lý tài sản “Liên xô”.

Mạng TTVN

Các cụ bảo may hơn khôn! Năm 1994, tôi và Anh Khánh Văn tình cờ tranh nhau đọc một cuốn sách bí kíp về lập trình truyền tin bằng giao thức IPX/SPX của Novell do Anh Nguyễn Thành Nam – TGĐ FPT Software đi Hồng Kông mua về. Thời đó mạng Novell Netware là một môn đặc biệt sang trọng ở Việt Nam. Nhiều bậc đàn anh chỉ cần luyện tít việc cài đặt mạng Netware mà đã lập nên những sự nghiệp lớn.

Đi kèm theo sách có vài đoạn chương trình minh họa, tôi và Anh Văn đều cố gõ nhập hết vào máy tính. Ví dụ khá lằng nhằng, cơ bản là mình có hiểu gì đâu, chương trình do Anh Văn nhập vào không chạy, về sau tôi phát hiện Anh Văn gõ nhầm vài chữ. Công dụng đầu tiên của chương trình truyền tin IPX/SPX của tôi là giúp anh Phạm Thế Hùng (HùngPT – TGĐ FPT Telecom miền Bắc) kiểm tra dây mạng Netware đứt ở đâu, khi đó, FPT dùng mạng Netware chạy dây BNC – rất hay đứt, nên chương trình khá hữu dụng.

Sau đó, tôi viết thêm được mấy đoạn mã lệnh Assembler để biến chương trình truyền tin thành thường trú (TSR) trong bộ nhớ và làm được một tính năng tương tự như Remote Desktop ngày nay – cho phép các cấp trên kiểm tra xem cái gì đang hiện trên màn hình máy tính của nhân viên – một phần trong Hệ thống kiểm tra Login của Hệ Quản lý Ngân hàng SIBA.

Phần Hệ thống và quản lý menu này do tôi viết được tất cả các nhà phát triển ứng dụng ở FPT như anh Phan Quốc Khánh, anh Lê Quốc Hữu, anh Nguyễn Khắc Thành, chị Vũ Mai Hương, chị Nguyến Tú Huyền,… trọng dụng, thậm trí sau này đã lọt ra ngoài và được nhiều công ty khác dùng cho các chương trình quản lý của họ. Năm ngoái, khi mua hàng ở Siêu thị số 9 Láng Hạ, tôi thấy chương trình quản lý tính tiền siêu thị ở đó cũng vẫn còn dùng phần mềm của mình.

Thấy môn truyền tin ngon ăn, tôi cũng các cộng sự – anh Dương Dũng Triều – PTGĐ FPT IS, anh Nguyễn Đắc Việt Dũng – PTGĐ FPT online xây dựng thương hiệu mới: BCS (Business Communication Service) mà anh em hay gọi đùa là “bao cao su”. Môn BCS được rất nhiều ngân hàng như VID Public, MayBank, BIDV, … sử dụng để truyền tải thông tin giữa các chi nhánh… Phần mềm Mạng thông tin diện rộng do chúng tôi xây dựng cho Ngân hàng BIDV bằng BCS được ngân hàng thuê với giá 2,500USD/tháng. Sau khi tôi rời khỏi FSS, cách anh bên đó còn thu được tiền thuê thêm mấy năm nữa, cho đến khi anh Nam thấy lương tâm cắn rứt và đã tặng lại cho ngân hàng.

Trên cơ sở BCS, chúng tôi xây dựng FPT Mail. Anh Nam tổ chức 2 nhóm thực hiện độc lập do tôi và anh Khánh Văn đứng đầu. Nhóm anh Văn làm trên môi trường Windows, viết bằng Visual Basic. Nhóm của tôi làm trên môi trường Novell Netware, viết bằng C dịch ra NLM (Netware Loadadble Module). Do nhóm của chúng tôi kiểm soát công nghệ nền mà anh Văn buộc phải sử dụng nên cuối cùng do nhiều trục trặc cố ý và không cố ý, phần mềm của chúng tôi viết được chọn để chính thức sử dụng cho toàn Công ty FPT vào năm 1996 – khi mà FPT bung ra nhiều văn phòng và nhu cầu trao đổi thông tin trở nên bức xúc. Đó chính là tiền thân của Mạng Trí tuệ Việt Nam. Anh Khánh Văn bèn nộp đơn xin đi học. Giờ đây anh đã là Tiến sỹ, là học trò duy nhất của anh Ngọc BQ nối được chí thầy.

Tôi thực sự biết ơn anh Nam, anh Lê Quang Tiến – PTGĐ FPT những người đã bỏ rất nhiều thời gian và tâm huyết để sưu tầm chuyện cười, chuyện bậy mà nhờ chúng FPT Mail trở nên nổi tiếng. Sự tò mò khiến những người cho đến bấy giờ chưa từng sử dụng máy tính như chú Đào Vinh cũng đành phải luyện bàn phím. Anh Nam thậm chí còn mạo hiểm cả sinh mạng chính trị của mình khi đăng tin một vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ trần – anh nhận được thông tin qua một bạn học rất thân. 10 năm đã qua, vị lãnh đạo vẫn sống, vẫn khỏe, kính chúc cụ sống lâu trăm tuổi.

Sự nổi tiếng của Mạng Trí tuệ Việt Nam thời đây cũng gắn liền với nhiều sự cố đau đầu mà chúng tôi phải hứng chịu. Ở Hà Nội, chúng tôi bị kiểm điểm vì tổ chức sự kiện “Đêm hội Trí tuệ Việt Nam” làm tắc nghẽn toàn bộ giao thông ở khu vực Láng Hạ. Ở Sài gòn, chúng tôi bị sự cố “con rùa bò qua lăng Lê Nin”. Tôi vào SG, hiếm khi được anh ChâuHM, anh Nguyễn Minh Sơn – PTGĐ FPT IS HCM nở nụ cười thân thiện vì suốt ngày các anh đi giải quyết vấn đề TTVN.

Thành lập FOX (FPT Telecom)

31 tháng 1 năm 1997, anh Trương Gia Bình – TGĐ FPT bổ nhiệm tôi làm GĐ Trung tâm Dịch vực Trực tuyến, viết tắt là FOX. Có lẽ, khác với các đơn vị khác trong FPT thường chọn ngày 13 làm ngày thành lập, chúng tôi chọn ngày 31 nên có lẽ cách làm thường trái ngược với các làm truyền thống của FPT là một định mệnh chăng? Cả tuần trước đó, tôi ôm cuốn từ điển tiếng Anh tra xem đặt tên đơn vị mới là gì, theo yêu cầu của anh Bình, tôi trình lên 5 phương án khác nhau, cuối cùng, cả anh lẫn tôi dừng ở phương án FPT Online eXchange – FOX.

Chắc khi đặt tên FOX – con cáo – anh Bình và tôi đã rất có tiên kiến về những hoạt động mà FOX phải đương đầu sau này. Cáo không phải là một loài khỏe như Trâu hay Hổ, Báo hoặc oách và sang như Rồng nhưng lại rất khôn ngoan khéo léo. Điều nay rất phù hợp với FOX vì trong hoạt động kinh doanh Internet và viễn thông, FOX không phải là người hùng cơ bắp để có thể dàn trận vồ mồi đánh đồn đẽo lô cốt như các anh hùng khác trong FPT thường tự hào.

18:00 chiều 31 tháng 1 năm 1997, sau khi chuẩn bị xong các giấy tờ thủ tục, tôi đem giấy tờ đến gặp anh Bình thì anh đã đi ăn tiệc ở Khách sạn Daewoo, tôi bèn đến Lobby khách sạn và chờ anh Bình ký luôn. FOX khởi động với 4 người: Trương Đình Anh, Chu Thị Thanh Hà, Lã Hồng Nguyên, Nguyễn Thị Huệ. HàCT và NguyênLH là nhân viên FSS cùng với tôi, còn HuệNT là thư ký riêng của anh Bình. Sau này tôi phát hiện ra điều thú vị: cứ đơn vị nào mới thành lập hoặc có nhiều khó khăn thì các anh Lãnh đạo FPT lại cử ngay thư ký riêng của các anh xuống tăng cường nhân sự.

Văn phòng của chúng tôi là 6m2 ở tầng 3 tòa nhà FPT 89 Láng Hạ. Tài sản quý nhất là 1 chiếc PC Server IBM chạy phần mềm TTVN Server và 12 cái modem xếp chồng lên nhau trong một chiếc chạn bát bằng nhựa mua ngoài siêu thị và được một chiếc quạt cây thổi liên tục cho mát. Lúc đó, báo chí nói chúng tôi có tới 10,000 thành viên TTVN, chúng tôi cũng tự tin và bị mê hoặc bởi con số đó, nhà nước cũng đã tin và cấp giấy phép ISP cho chúng tôi! Giờ đây, với kinh nghiệm 8 năm quản lý khai thác viễn thông, tôi tự nghĩ với hạ tầng lởm khởm như vậy, chắc khi đó chúng tôi có không quá vài trăm khách hàng! Tuy nhiên, nhưng gì chúng tôi làm hồi đó nghĩ lại vẫn thấy hào hùng. Tôi vẫn nhớ chị HàCT, anh NamDT in ra hàng ngàn hộp phần mềm TTVN đóng gói khá đẹp để bán cho khách hàng. Nhiều khách hàng đã mua nhưng số tồn được nhập kho với giá 10 USD/hộp đã làm chúng tôi nhức đầu dài dài sau này – đó là sản phẩm đóng gói đầu tiên của FOX.

Ở TP HCM, TTVN cũng được thành lập và chạy trên tầng 2, ngôi nhà xây thêm ở 96 Nguyễn Thị Minh Khai. Hàng ngày, chúng tôi qua Modem nối HN – TP HCM để đồng bộ dữ liệu hai nơi cho giống nhau. Điều này làm mất hàng tiếng đồng hồ kết nối điện thoại liên tỉnh nhưng khi đó FPT chưa hạch toán rạch ròi giữa các đơn vị nên hình như chi phí nào HO cũng chịu hết. Anh Nguyễn Hoàng Anh Dũng (DũngNHA – cựu FOXer) là người được phân công cai quản TTVN SG. Anh DũngNHA hồi đó rất có kỹ năng cộng đồng và đã lôi kéo được khá nhiều gương mặt CNTT phía Nam tham gia TTVN.

Cả năm 1997, chúng tôi lúc nào cũng như ngồi trên lửa, hàng tuần, đau khổ nhất đối với tôi là phải nghĩ cách đối phó với Anh Bình vào các buổi họp giao ban sáng thứ hai khi anh hỏi câu quen thuộc: Mạng TTVN có tiến bộ gì? Tôi mất hàng giờ vắt óc nghĩ ra những biểu đồ phức tạp để minh họa cho sự tiến bộ từ ngày! Tôi thậm chí gần như bị stress khi lòng kiên nhẫn và sự sáng tạo bị vắt kiệt. Khi chúng tôi thành lập FOX, anh Nam có khuyên: hoặc các chú phải kiếm ra thật nhiều tiền cho công ty hoặc phải tiêu mất ngay một khoản lớn thì các anh Lãnh đạo mới quan tâm! Điều này giờ đây khó thay? Lộ trình xin giấy phép ISP vẫn còn dài trước mắt. Lịch trình hàng ngày của tôi là đeo bám bám Tổng cục Bưu điện.

Tháng 8 năm 1997, dự đoán Nhà nước sẽ cho phép cung cấp dịch vụ Internet và FPT sẽ được cấp phép, tôi trình BTGĐ FPT đề án xin đầu tư thiết bị để cung cấp dịch vụ Internet. Số tiền rất khiêm tốn – khoảng 70 ngàn USD. Sau nhiều vòng thẩm định, anh Bình vẫn không hài lòng với đề án trong khi tôi cảm giác cơ hội đang rất gần. Tôi đi đến quyết định, sẽ rời khỏi FPT để tìm cơ hội mới cho mình. Trong 4 năm làm việc tại FPT, tôi chưa từng nghỉ phép. 8:00 sáng, tôi nộp đơn xin nghỉ phép gộp 4 tuần, dự định sau khi đi chơi, khi về sẽ chính thức xin nghĩ việc – ở đây có còn gì để làm đâu? 9:00 sáng, anh Bình triệu tập tôi lên và đồng ý cho đầu tư số tiền 70 ngàn USD để khởi động việc chuẩn bị cung cấp dịch vụ Internet. Tôi rút lại đơn xin nghỉ phép.

Một tháng sau, ngày 13 tháng 9 năm 1997, 9:00, đang trên sân vận động Quán Thánh dự Olympic FPT, tôi nhận được cuộc điện thoại của anh Mai Linh – GĐ Trung tâm Tin học Bộ VHTT, lúc đó đang thụ lý hồ sơ xin giấy phép của chúng tôi – thông báo là Bộ VHTT đã ký giấy phép ICP cho FPT, một ngày định mệnh. 14 tháng 11 năm 1997, 17:00, là ngày sinh nhật lần thứ 27 của tôi, đang thu dọn giấy tờ để rời văn phòng, bồ thì đang chờ ở dưới nhà, tôi nhận được cuộc điện thoại định mệnh thứ hai của anh Nguyễn Minh Hồng – Thứ trưởng Bộ BCVT, khi đó anh Hồng là chuyên viên Vụ Viễn thông – thông báo Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực vừa ký giấy phép ISP cho FPT.

20 tháng 11 năm 1997, FOX dọn về văn phòng mới – 75 Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm. Đối với chúng tôi, 75 Trần Hưng Đạo là đất khởi phát và góp phần cực kỳ quan trong đối với sự thành công sau này của FOX. Ngôi nhà quả là một thế giới bao la với khuôn viên 432m2, tôi tự hỏi không biết bao giờ mới dùng hết khi FOX có vẻn vẹn 17 nhân viên. Tôi, anh Nguyễn Văn Khoa (KhoaNV – GĐ DTS), anh NguyênLH biến thành các công nhân đi cáp thực thụ khi mất cả tháng trời dòng cáp khắp cả tòa nhà. Chúng tôi gần như chỉ làm, ăn, ngủ tại công trình. Ngôi nhà ngốn hết một khoản ngân sách khổng lồ khi đó – 2,900 USD/tháng + thuế. Đó là cái giá mà tôi đã vô cùng vất vả thuyết phục cả chủ nhà lẫn Ban Lãnh đạo FPT. Trước khủng hoảng kinh tế châu Á, chủ nhà vẫn nhận 8 – 10 ngàn USD/tháng. Còn FPT, oai như anh Đỗ Cao Bảo – TGĐ FPT IS khi đấy cùng chỉ thường thuê văn phòng giá dưới 2 ngàn USD/tháng. Nhiều người khi đến thăm 75 Trần Hưng Đạo cho rằng chúng tôi sẽ toi sau vài tháng trả tiền thuê nhà, chúng tôi cho rằng chết một cách lịch sự thì cùng là một lựa chọn tốt. Năm 1997, FOX lỗ khoảng 50 ngàn USD.

Trở thành ISP

Tháng 12/1997, FOX bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet. Chúng tôi xin đổi tên thành FPT Internet nhưng vẫn giữ nick-name là FOX. Hệ thống cung cấp dịch vụ Internet của chúng tôi gồm Router chủ là một chiếc Cisco 2501, kênh kết nối Internet 64 Kbps, 32 port Dial-up và 4 chiếc máy chủ Compaq Proliant 2500, một chiếc máy chủ Proliant 1500. Sau này tôi mới biết chiếc Proliant 1500 có giá trên sổ tài sản những 8 ngàn USD – một trong các máy chủ ế từ lâu và bị anh NgọcBQ gán cho chúng tôi.

Cisco 2501 là Router FIS mua thử nghiệm để trong kho được anh HùngPT cho mượn còn kênh Internet 64 Kbps thuê của VDC mỗi tháng ngốn hết 45 triệu đồng. Tháng đầu tiên, chúng tôi thu được 97 triệu đồng hóa đơn tiền cước. Nói là hóa đơn vì thì thực sự chúng tôi đâu đã biết cách thu tiền và quản lý tài chính. Việc thu tiền và xử lý công nợ khá bê bối cho đến tháng 4 năm 1998 khi chúng tôi tuyển được chị Nguyễn Thị Dư (DưNT – PTGĐ FTN) phu nhân anh BảoĐC về làm nhân viên quản lý công nợ và thu tiền.

Tháng 1 năm 1998, anh ChâuHM gọi điện cho tôi đốc thúc để làm sao nhanh chóng triển khai cung cấp dịch vụ Internet ở TP HCM. Giọng anh khá gay gắt, tôi nghĩ chỉ thiếu chút nữa là anh đấm cho tôi một trận vì tiến độ quá chậm. Tôi đành hứa, hứa và tiếp tục hứa. Tháng 2 năm 1998, cuối cùng chúng tôi nối được kênh Bắc Nam tốc độ 128 Kbps qua Công ty Viễn thông Điện lực với giá 36 triệu đồng/tháng. FOX HCM bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet trễ hơn VDC khoảng 3 tháng – hậu quả là những khách hàng béo nhất đã dùng dịch vụ của Bưu điện – đúng là trâu chậm uống nước đục. Bây giờ tôi vẫn tiếc là khi đó nếu chúng tôi mạnh dạn chuyển hết số khách hàng TTVN sang sử dụng Internet mà không thu phí hòa mạng 450 ngàn đồng thì có lẽ chúng tôi đã thành công hơn rất nhiều. Cái khó bó cái khôn, chúng tôi xuất phát từ cái lỗ năm 1997 nên làm gì cùng chỉ nghĩ đến tiền – chính điều đó đã cản trở những suy nghĩ xa hơn – hay phải có vision – như anh Bình thường nói.

Trong TP HCM, nhân sự FOX cũng thay đổi liên tục, anh DũngNHA rời công ty, anh Hùng Anh làm việc với tôi vài tháng rồi đi Mỹ định cư, cuối cùng là anh Mai Sung. Cả năm 1998, suốt ngày chúng tôi chỉ nghĩ cách đẩy nhanh số lượng khách hàng. Chúng tôi đã gửi hàng tấn bom thư đến khắp các khách hàng dùng e-mail, rải hàng chục ngàn tờ rơi… Đỉnh điểm của đợt khuyến mại là việc chúng tôi tặng Modem cho khách hàng – sự kiện gây chấn động thị trường Internet năm 1998 mà Báo Sài gòn Tiếp thị chạy tít “Net – lưới nào bắt được nhiều cá?”. Sự năng nổ phát triển Internet đã biến tôi thành một nhân vật được giới truyền thông ưa chuộng. Với sự nổi tiếng này, tôi được báo Thanh niên giới thiệu và được bầu chọn là 1 trong 10 thanh niên Việt Nam xuất sắc năm 1998. Tôi được nhận bằng khen của Thủ tướng Phan Văn Khải, bằng khen của Trung ương Đoàn và số tiền thưởng 6 triệu đồng. Tôi đã ủng hộ số tiền trên vào Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình của báo Thanh niên. Bây giờ tôi vẫn trưng các bằng khen này ở Văn phòng. Các đối tác nước ngoài thường rất khâm phục khi tôi giới thiệu những phần thưởng này. 5 năm sau, khi chuyển văn phòng vào TP HCM, chị DưNT đã gửi số bằng khen này qua Bưu điện mà không báo cho tôi. Chị Mỹ Hằng chuyển cho tôi mà cũng không xác định được ai gửi. Sợ là bom thư như trên báo thường nói, tôi quyết định vứt gói hàng trên vào sọt rác. Chị Mỹ Hằng bèn sai bảo vệ đem ra ngoài vỉa hè để mở và phát hiện đó chính là các bằng khen của tôi!

13 tháng 12 năm 1998, tôi ăn hỏi làm đám cưới với cô dâu QueenBee – Đỗ Phương Thảo – một nick khá nổi tiếng trên Mạng TTVN. Cả tuần đó, hầu như tôi không ngủ vì bị hackers mà chúng tôi ngờ rằng từ Mạng NetNam tấn công trả thù các đợt khuyến mại cướp khách do chúng tôi thực hiện. FOX huy động tất cả các nguồn lực: anh Nguyễn Tử Quảng (tác giả BKAV, GĐ BKIS khi đó là Quản trị Mạng FOX), anh Phạm Vĩnh Thắng (ThắngPV, PGĐ NOC), anh Trần Minh Trung (GV ĐHBK), … chúng tôi chỉ ngủ vài giờ vì hackers thường ra tay vào lúc 2-3 giờ sáng. 19 tháng 12 năm 1998, chú rể Anh Trương đi đón dâu mặt xanh xao sau một tuần thiếu ngủ. Anh Hoàng Nam Tiến – TGĐ FPT Land làm MC cho đám cưới của chúng tôi, nhiều FPTers chuẩn bị hát bậy ở đám cưới đã bị vô hiệu hóa vì nơi tổ chức đám cưới quá lịch sự. Hôm rồi, xem lại băng đám cưới tôi thấy ngày đó anh em FPT đều trẻ thật. Các anh Bình, Anh NgọcBQ, anh HưngPNT, anh TiếnHN, anh HoàiTQ, anh TùngNĐ đều già đi khá nhiều trước gánh nặng hàng tồn, công nợ và nhiều chuyện kinh doanh nhức đầu khác. Trước đó một tuần, tôi được nhạc phụ nhạc mẫu đại nhân cấp cho của hồi môn là 2 ký vàng 9999 Thụy Sỹ. Cầm 2 ký vàng to bằng bao thuốc lá nặng chĩu, tôi không hình dung chúng tương đương bao nhiêu cây và trị giá bao nhiêu. Hai vợ chồng tôi cũng bán được 2 ký vàng = 53.34 cây = 18 ngàn USD lúc đó. Một giờ sau, chúng tôi trở thành người FPT đầu tiên sở hữu xe hơi cá nhân – chiếc Mazda 323 màu mận. Chúng tôi dùng luôn chiếc xe này làm xe đưa dâu.

FOX kết thúc năm đầu tiên thực sự kinh doanh với doanh thu 540 ngàn USD và quan trọng nhất – chúng tôi có lãi.

Nam Bắc phân tranh

Đầu năm 1999, lần đầu tiên FPT tổ chức bảo vệ kinh doanh cho các đơn vị. Nhờ tài nói phét, bản kế hoạch của tôi được Ban Giám khảo chấm điểm cao nhất, có lẽ Ban Giám khảo ưu ái hướng kinh doanh mới chăng!

Tháng 2 năm 1999, anh Bình đột nhiên triệu tập tôi vào TP HCM dự buổi họp quan trọng về tương lai của FOX. Cuộc họp tiến hành ở 75 Lê Thị Hồng Gấm – trụ sở mới của FOX HCM. Cuộc họp rất căng thẳng sau trình bày của anh ChâuHM, anh SơnNM về việc cần phải chuyển giao FOX HCM cho FPT HCM quản lý. Trước đó, FOX HCM thuộc FPT HN và sử dụng hóa đơn tài chính chung với FOX HN. Thấp cổ bé họng và chưa có kinh nghiệm trong những vụ việc như vậy, tôi gần như không đưa ra được ý kiến phản bác nào nặng ký. Thế là các anh đã quyết định chia FOX làm đôi tuy vẫn hứa rằng tôi được quyền quản lý FOX HCM. Nhiều năm sau, tôi kinh nghiệm rằng không bao giờ nên tin rằng mình có thể trồng trọt và thu hoạch lâu dài trên một mảnh đất do người khác đứng tên. Tôi chia tay FOX HCM và tự thề rằng không bao giờ quay lại Sài Gòn. Quả thật, những năm 1999-2000 tôi không hề vào Sài Gòn một lần nào nữa.

Tháng 4 năm 1999, chúng tôi bắt tay vào việc xây dựng Hệ thống INSIDE – quản lý toàn bộ hoạt động kinh doanh của FOX. Sau 3 tháng định sử dụng dịch vụ Outsourcing của FSU1 (FPT Software ngày nay), chúng tôi thấy rằng không thể Outsource được khi hướng kinh doanh phát triển quá nhanh và đòi hỏi phát triển hệ thống quản lý liên tục. Trong 6 năm qua, INSIDE trở thành một phần không thể thiếu của FOX, sau khi tôi rời khỏi công việc lập trình, các anh DũngNDV, Hoàng Tiến Dũng (DũngTH – GĐ R&D FOX) và nhiều anh em khác đã tiếp tục phát triển rất nhiều tính năng đáp ứng cho sự phát triển vũ bão của FOX. Tháng 6 năm 1999, anh ThắngPV sau nhiều năm mệt mỏi với chức IT Manager của FPT đã gia nhập FOX. Anh đã gánh cho tôi gần như mọi đau đầu về mạng lưới backbone. Tôi mất nhiều tháng để thuyết phục anh rằng công việc ở FOX rất hấp dẫn và phù hợp với sở thích của anh.

Năm 1999, FOX HN và HCM rất thành công trong kinh doanh. Chúng tôi đạt doanh thu tổng cộng gần 1 triệu USD và có mức lãi ròng rất tốt. Đầu năm 2000, FPT tổ chức đại hội quần hùng ở hồ Đại Lải với khẩu hiệu Cất cánh 2000. Với xu thế kích động trước ước mơ xuất khẩu phần mềm và ngày thanh công 528, các đơn vị đều đã tô vẽ cho mình những con voi doanh số. FOX HN cũng vậy, chúng tôi nhận doanh số gần gấp 3 lần năm 1999 – 1,8 triệu USD. Hậu quả là 12 tháng sau, chúng tôi chỉ hoàn thành kế hoạch năm 2000 ở mức 65% – đây là lần duy nhất trong 8 năm kinh doanh, FOX không hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên chủ đề nổi cộm nhất ở Đại Lải 2000 là việc tôi kiến nghị hợp nhất FOX lại. Chủ đề này làm vấn đề mâu thuẫn Bắc – Nam vốn đã đặt ra nhiều năm trước trở nên vô cùng gay gắt. Đầu tiên, tôi tranh luận cùng anh ChâuHM tới mức nảy lửa, các GĐ thuộc FPT HCM cũng đứng về phía anh ChâuHM và tranh cãi rất hăng say. Anh TiếnHN có ghi âm lại cuộc đấu khẩu này tường thuật rằng tôi đã nói và cãi vã như lên đồng. Câu chuyện căng thẳng đến mức anh ChâuHM xách cặp định bỏ về Sài Gòn luôn, tôi tiếp tục đòi hợp nhất FOX hoặc phải cho phép FOX Hà Nội mở chi nhánh khác ở TP HCM. Đứng trên lợi ích đại cuộc, anh Bình đuổi tôi ra và tạm thời không cho bàn đến việc hợp nhất nữa. Vậy là FOX HN và HCM phát triển theo hai hướng riêng rẽ. Chắc do anh Mai Sung khá nể tôi nên chúng tôi vẫn thường trao đổi với nhau và anh đã nghe theo hầu hết các tư vấn của tôi.

13 tháng 4 năm 2000, gia đình chúng tôi có cháu bé đầu lòng – Rồng con – Anh Trương “con”. Bố mẹ tôi thở phào nhẹ nhõm vì tôi bị quai bị lúc 10 tuổi mà như bác sỹ nói thì căn bệnh này hay để lại nhiều di chứng nặng nề. Gia đình chúng tôi chuyển về Nam Thành Công làm hàng xóm của anh TiếnLQ, anh Trần Quốc Hoài – TGĐ FMB và nhiều vĩ nhân khác như Phó Thủ tướng Phạm Gia Kiêm, Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên, Bộ trưởng Hoàng Trung Hải, … Có lẽ đây là đất tốt nên chỉ trong vòng 3 năm sau, chúng tôi có thêm 2 nhóc nữa – Rắn con, Dế con.

Năm 2000 quả là một năm nặng nề. Các đơn vị kinh doanh đều có kết quả bê bết, duy có FOX, FAT từ các em út được đôn lên làm anh Cả. Hầu như cả quý IV, nơi làm việc thường trực của tôi là 89 Láng Hạ – nghe ngóng, thúc giục các anh lãnh đạo FPT lo tiền thưởng thưởng cho anh, em. FOX HN là đơn vị kinh doanh hiệu quả nhất năm 2000, nhưng tôi, chị HàCT đều trông không vui mấy vì cả công ty ốm yếu thì sự thành công của chúng tôi cũng không làm mặn thêm nồi cháo nhạt. Cuối năm, tôi lại đặt vấn đề hợp nhất, các anh lại gạt đi. Ngày 26 tháng 2 năm 2001, chúng tôi khai trương tờ báo điện tử VnExpress.net. 8 tháng sau, VnExpress.net leo lên ngôi đầu bảng trong các website tiếng Việt trên toàn thế giới. Để có được kết quả này, tôi thực sự biết ơn anh Thang Đức Thắng – Tổng Biên tập VnExpress. Tôi có cả một quãng thời gian dài 4 năm theo đuổi để mời anh ThắngTĐ về làm việc cho FPT. Tháng 9 năm 2000, anh ThắngTĐ quyết định rời khỏi Báo Lao động gia nhập FPT. Quả thật anh đã phải rất suy nghĩ khi bỏ lại sau lưng nhiều cơ hội với tờ báo hàng đầu ở Việt Nam. Chúng tôi mất 6 tháng để tuyển dụng 30 phóng viên từ 1,000 hồ sơ, xây dựng khu nhà mới cho VnExpress, xây dựng hệ thống xuất bản điện tử. Tất cả những khó khăn ban đầu đã được đền đáp khi ranking của VnExpress tăng hàng ngày trên Alexa.com.

Ở 75 Trần Hưng Đạo, chúng tôi liên tục bành trướng ra các khu đất xung quanh của chủ nhà. Nhớ lại chuyện đàm phán hợp đồng mới cho ngôi nhà 75 Trần Hưng Đạo, tôi vẫn buồn cười – mỗi lần chủ nhà đến, anh ThắngPV, anh KhoaNV lại điều động nhân viên đóng thùng bê vác như chuẩn bị chuyển nhà đi đến nơi! Anh Phan Ngô Tống Hưng – PCT FPT thì ký cho tôi một bút phê rằng nếu chủ nhà không đồng ý với điều kiện của FOX thì buộc FOX chuyển trụ sở đi nơi khác, … Cuối cùng chủ nhà đã giao cho chúng tôi thêm 150m2 đất và giảm giá nhà thuê nhà thêm 15%. 5 năm này, chúng tôi vẫn ở đó và rất hài lòng! Đến giữa năm, tôi chiêu mộ được anh DũngNĐV – đệ tử cũ của tôi ở FSS – người sau này trở thành cánh tay phải phát triển công nghệ mới cho FOX. Anh DũngNĐV rời FPT Software khi niềm tin xuất khẩu phần mềm sụp đổ. Thương lượng công thức lương với tôi, anh rất thận trọng vì đã từng nghe quá nhiều lời hứa.

Năm 2001, FOX nhân đôi doanh số. Cuối năm 2001, tôi tiếp tục đề nghị hợp nhất FOX, chắc động lòng trước quyết tâm của tôi, anh Bình cho phép FOX HN được lập chi nhánh mới ở TP HCM. Mọi người hỏi tại sao tôi lại kiên nhẫn để nghị đi đề nghị lại như thế? Xin trả lời tôi học được môn võ cần cù từ anh Nguyễn Khắc Thành – PTGĐ FU khi đánh bóng bàn cùng anh. Anh Thành nhỏ người nên vụt không mạnh! Nhưng lối đánh cò cưa bền bóng của anh khiến đối thủ phải tức giận và mắc sai lầm.

Tháng 2 năm 2002, tôi cùng đệ tử ruột – anh KhoaNV khăn gói vào TP HCM. Do ý định là sẽ chiến đấu sống còn với FOX HCM, tôi và anh KhoaNV không dám ghé thăm FPT HCM, FOX HCM. Anh Mai Sung tình cờ gặp chúng tôi và KhoaNV trả lời tỉnh bơ là chúng tôi đi chơi Sài Gòn. Chúng tôi ở TP HCM hơn một tháng, đi khảo sát kỹ thị trường, tìm mối thuê văn phòng, nghiên luồng lạch của Bưu điện TP HCM. Nhờ sự giới thiệu của chị Hà – Phó phòng Viễn thông Hà Nội, chúng tôi làm quen và kết thân với chị Huyên – GĐ Trung tâm Điều hành Viễn thông TP HCM, anh Kháng – PGĐ Bưu điện HCM, … Sự quen biết này giúp chúng tôi hoàn tất rất nhanh các thủ tục thuê kênh với Bưu điện sau này. Hai anh em quyết định thuê tầng 3B (do dân Hồng Kông mê tín không dùng số 4) của tòa nhà cao nhất Sài Gòn – Saigon Trade Center – 37 Tôn Đức Thắng. Chúng tôi chỉ còn động tác cuối cùng là ký hợp đồng thuê nhà, tuyển nhân viên, thuê kênh và trở thành đối thủ của FOX HCM. Tôi cũng quyết định sẽ chuyển toàn bộ gia đình vào TP HCM. Tháng 2 năm 2002, tôi đến Phú Mỹ Hưng và đặt cọc tiền mua nhà vào một lô đất trống mà nhân viên tiếp thị nói là ở đây sẽ mọc lên một khu đô thị mới sầm uất. Trên đường về, tôi cảm thấy ân hận vì Quận 7 hoang vu quá, nhìn cảnh kẹt xe trên cầu Tân Thuận, tôi nghĩ không biết tương lai Phú Mỹ Hưng sẽ ra sao?

Tháng 3 năm 2002, trở ra Bắc, FPT được phép cổ phần hóa, các việc định làm ngay bị trì hoãn lại. Sau khi cổ phần hóa tháng 4 năm 2002, anh Bình nói với tôi rằng không nên lập thêm chi nhánh FOX mới ở TP HCM, bây giờ chúng ta là người một nhà, chuyện gì cũng giải quyết được. Tôi cũng cảm thấy giờ đây nếu diễn cảnh nồi da nấu thịt thì quả thật không hay. Tôi đã chờ 3 năm rồi, tôi lại tin lời anh Bình và tiếp tục chờ đợi những thay đổi mà anh hứa. 30 tháng 4 năm 2002, chúng tôi nhận được giấy phép IXP – tấm bùa thần cho phép FOX thoát khỏi sự chi phối về kênh truyền quốc tế của VDC – cái ách chúng tôi phải chịu nhẫn nhục suốt 5 năm nay. Chị HàCT gọi điện báo tin cho tôi khi tôi và bà xã đang lái xe đi du lịch xuyên Việt. Chúng tôi đang ở Quảng Bình. Tin này có lẽ làm chân ga của tôi mạnh hơn nên chiếc xe BMW mà tôi mới tậu bị sôi két nước phải dừng lại cho mát máy giữa đường, một lát sau, kính chắn gió phía trước bị một viên đá do xe tải hất văng lên làm nứt rạn vậy mà tâm trạng vẫn cứ lâng lâng.

Tháng 11 năm 2002, chúng tôi chính thức kết nối trực tiếp ra quốc tế, tốc độ có vẻn vẹn 8 Mbps – ngốn mất khoản ngân quỹ hơn 80 ngàn USD/tháng. Năm 2002, FOX HN đạt kết quả kinh doanh rất cao, doanh thu gấp 1.5 lần FOX HCM, lợi nhuận gấp 3 lần. Tôi nghĩ, chắc các Anh cũng ấn tượng với kết quả này và đi đến quyết định cho tách các công ty chi nhánh theo business line.

Hợp nhất

Cả tháng 1 năm 2003, ở 89 Láng Hạ, các vấn đề tập chung nhất là nhanh chóng thành lập các công ty chi nhánh theo business line. Nhằm phục vụ khâu oai, anh BảoĐC, anh TiếnHN và tôi mất khá nhiều thời gian lồng bàn và thuyết phục Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cho phép đặt tên chi nhánh là Công ty. Vấn đề tiếp theo là kính đề nghị anh Bình vinh thăng chúng tôi làm TGĐ thay vì GĐ của các công ty chi nhánh. Anh BảoĐC đứng tần ngần hàng giờ trước cửa phòng anh Bình nhưng không tiện bước vào xin xỏ. Tôi bèn đề nghị anh BảoĐC chung chi 500 USD cho vụ này, anh BảoĐC nhất trí ngay. Tôi liền gặp chị Trần Thị Thu Hà – Phó ban TCCB FPT đề đạt nguyện vọng của các Giám đốc FIS, FOX, FDC, … chị HàTThu hơi ngại song trước sức ép của chúng tôi theo kiểu cứ máu có lẽ là xong nên đã soạn quyết định theo hướng trên. Lạ thay anh Bình lần này rất hào phóng ký ngay quyết định, thế mà anh BảoĐC dám quỵt 500 USD của tôi.

Ấn kiếm đúc xong, tháng 2 năm 2003, tôi chính thức nhận nhiệm sở ở FOX HCM. Việc đâu tiên tôi làm ở TP HCM là đến yết kiến anh ChâuHM, chị Trương Thanh Thanh – PCT FPT. Anh chị đã vui vẻ đón tiếp tôi. Giờ đây anh ChâuHM nói chắc do các thế hệ FPT đầu tiên có quan hệ gắn bó với nhau từ gia đình – công việc – học tập nên đã cùng nhau vượt qua những thời điểm khó khăn nhất mà ở các công ty khác là sự chia ly và tan vỡ tổ chức. Tôi cũng nói với anh rằng các cổ đông FPT là chủ đất, các giám đốc như con trâu kéo cày thuê mà mấy con trâu này lại hơi thích đất phía Nam! Lần này, tôi đem theo đàn em là anh Phạm Thành Đức – TGĐ FTS. Anh Mai Sung đón chúng tôi rất thân tình, chúng tôi đích thân phỏng vấn tất cả các Managers FOX HCM về việc chúng ta phải làm gì để có thể tồn tại trước sự cạnh tranh vô cùng gay gắt giữa các ISP. Chúng tôi quyết định phải đi thuê ngay trụ sở mới cho FOX HCM. Quả thật trụ sở cũ ở 75 Lê Thị Hồng Gấm và 57 Trần Quốc Thảo đều có quy mô quá khiêm tốn để làm đại sự. Theo sự giới thiệu của các cò, anh Mai Sung và tôi lượn khắp khu vực Quận 1 – 3 nhưng quả thật rất khó tìm được ngôi nhà đúng ý. Đúng lúc đó, chị ThanhTT và anh ChâuHM chỉ cho tôi tòa nhà 68 Võ Văn Tần – 7 tầng trông rất quy mô. Trước đó, FDC và FMB đã chê vì giá cao. Tòa nhà này trước đây là trụ sở của KPMG Việt Nam. Với tốc độ tên lửa, chúng tôi nhanh chóng thỏa thuận được với chủ nhà để thuê tòa nhà này với giá gần 100 triệu đồng/tháng. Bác chủ nhà có 6 người con rất khoái tôi, có lẽ vì tôi cũng sắp có 3 nhóc. Đang dở dang làm KHKD năm 2003 ở FOX HCM, tôi phải bay gấp ra Hà Nội vì bà xã sinh nhóc thứ 3 – Dế Con, cháu bé nặng 3,7 kg – to con nhất trong mấy nhóc nhà tôi. Anh Nguyễn Ngọc Lắm (LắmNN) và anh Mai Sung nhanh chóng triển khai biến tòa nhà thành trụ sở mới của FOX.

Đầu tháng 4 năm 2003, 70 nhân viên FOX HCM gần như sững sờ khi chuyển sang trụ sở mới. Tôi cũng có cảm giác giống như khi thuê nhà 75 Trần Hưng Đạo: bao giờ chúng tôi mới ngồi hết chỗ, có đủ tiền để tồn tại hay không? Để có tiền, tôi đi đến quyết định táo bạo là: Tăng cước dịch vụ Internet, thu cước thuê bao 30,000đồng/ khách hàng. Chúng tôi nhanh chóng gấp đôi doanh số tháng trong 2 tháng sau đó và mất đi khoảng 60% khách hàng là những khách hàng sử dụng rất ít. Điều này cho phép chúng tôi nâng cao đáng kể chất lượng dịch vụ – vốn bị số đông khách hàng không thường xuyên làm nghẽn đường truyền. Chúng tôi thuê được thêm 20 luồng E1 ở TP HCM, giải quyết triệt để việc nghẽn mạch kết nối 1280. Trước đó khách hàng xếp hàng rồng rắn trước cửa những không vào được để chúng tôi phục vụ. Tại TP HCM, chúng tôi nhanh chóng chuyển giao toàn bộ kinh nghiệm quản lý, mô hình kinh doanh đã có kết quả tốt ở Hà Nội. FOX HCM nhanh chóng chuyển sang cơ chế lương sản phẩm, các giám đốc được ủy quyền cao hơn trong công tác tuyển dụng, trả lương, điều hành kinh doanh. Nguyên lý của tôi rất đơn giảm: cắt giảm những gì không đem lại doanh thu hoặc rất ít doanh thu. Chỉ là những dịch vụ phục vụ số đông khách hàng. Ở Hà Nội, chị HàCT giúp tôi quản lý một cách trôi chảy mọi chuyện, điều này giúp tôi toàn tâm toàn ý phát triển kinh doanh ở phía Nam.

Tháng 7 năm 2003, lãnh đạo FOX toàn quốc họp sơ kết và nghỉ mát ở Khu Resort Furama Đà Nẵng. Tôi đã lây nhiễm cho anh em tính: tiêu tiền khỏe sẽ kích thích làm tiền nhiều hơn. Anh em FOX HCM đã nhanh chóng chuyển theo mô hình mới. Tháng 8 năm 2003, anh Trịnh Quang Chung – Trưởng phòng WEB HCM) rời khỏi công ty. Anh nói sức ép công việc lớn quá. Trước đó anh là nhân viên của tôi ở Hà Nội và chuyển vào TP HCM cũng vì lý do trên. Đúng là oan gia ngõ hẹp. Sự thật là WEB HCM phải dịch chuyển từ quy mô doanh số vài chục triệu tháng thành vài trăm triệu. Điều này thật không dễ. Đối với gia đình tôi, chúng tôi quyết định chuyển nhà từ Hà Nội vào TP HCM luôn cùng đợt đi nghỉ mát này. Từ Furama chúng tôi vào Sài gòn, nhà ở Phú Mỹ Hưng vẫn chưa xong, chúng tôi đành cư trú ở khách sạn gần 2 tháng. Do đại dịch SARS, khách sạn vắng như chùa Bà Đanh, chúng tôi trở thành những thượng khách của Khách sạn New World.

Tháng 8 năm 2003, FOX có bước đột phá trong cung cấp dịch vụ PC Phone. Ngay khi nhận được giấy phép, tuy chưa được Bộ BCVT và đoàn kiểm tra liên ngành xác nhận đủ điều kiện kinh doanh, chúng tôi quyết định tung ngay dịch vụ ra thị trường để áp đảo các đối thủ khác. Trong vòng 1 tuần, chúng tôi bán được nửa triệu USD thẻ PC Phone. Trước sức ép khiếu nại của các ISP khác, Bộ BCVT đã buộc chúng tôi tạm dừng cung cấp dịch vụ. Đây là thời điểm rất khó khăn đối với FOX! Chúng tôi không thể trả lời những khách hàng đã mua thẻ là bao giờ dịch vụ được khôi phục! Trong vòng 1 tuần, tôi bay qua lại Hà Nội, TP HCM 3 lần. Đón nhận số lượng khiếu nại khổng lồ, quả thật chúng tôi vô cùng biết ơn những khách hàng đã chia sẻ khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt.

Ba tuần sau, Bộ BCVT cấp phép cho mở lại dịch vụ, tuy bị nhiều tai tiếng xong chúng tôi đã có cú bứt phá ngoạn mục so với các ISP khác. Tháng 7 năm 2003 đánh dấu một bước ngoặt trên thị trường Internet, VDC tung ra dịch vụ Internet băng rộng MegaVNN với giá cước cực rẻ tạo nên một cuộc cách mạng trong cung cấp dịch vụ Internet ở Việt Nam. FOX đứng trước nguy cơ có thể mất hết khách hàng trong vòng vài tháng. Chúng tôi họp ban lãnh đạo FOX, thực sự chúng tôi đều bí vì chưa có phương án gì khả dĩ để đối phó với đòn độc này của VDC. Tôi đi đến quyết định sẽ tự đầu tư hạ tầng để cung cấp ADSL. Đây thực sự là một quyết định khó khăn vì hầu hết các giám đốc FOX cho rằng việc này quá mạo hiểm. Từ trước đến nay chúng tôi chưa bao giờ quản lý hạ tầng, chưa từng kéo một mét cáp nào trên đường phố. Tôi dùng quyền phủ quyết để quyết định đầu phát triển hạ tầng. Anh Mai Sung ủng hộ tôi trong dự án này. Và chúng tôi bắt đầu tham gia vào hàng ngũ những spider-man phát triển mạng cáp trên đường phố. Từ đây, chúng tôi cũng bắt đầu một chạy marathon kéo dài 26 tháng để biến mạng lưới trị giá hàng triệu USD của mình nằm ngoài hè phố trở thành một tài sản hợp pháp.

Chúng tôi gọi thầu thiết bị DSLAM và đạt được thỏa thuận đầu tiên với Zyxel ở mức giá dưới 50 USD/port. Lúc đó, giá này cực rẻ so với đầu tư của Bưu điện. Nửa năm sau, chúng tôi ép giá xuống 30 USD/port. Điều này cho phép chúng tôi giảm thiểu cực lớn chi phí đầu tư. Tất cả mọi việc đều quá mới mẻ, số nhân viên kéo cáp tăng lên hàng ngày, còn rất nhiều điều chúng tôi chưa dự tính được trước đã xảy ra! Sự cố, sự than phiền của khách hàng, sự trách mắng của các anh Lãnh đạo FPT làm chúng tôi quay như chong chóng. Tháng 11 năm 2003, FOX khai trương dịch vụ ADSL với 2 gói MegaNET, MegaBIZ tại TP HCM. Khách hàng kéo đến ùn ùn vì còn tới 5,000 hồ sơ chờ lắp ADSL tồn ở Bưu điện. Một tháng sau, chúng tôi khai trương dịch vụ ADSL ở Hà Nội. Hai tháng sau, chúng tôi có 2,000 khách hàng ADSL. Sự cố cáp nhiều đến mức chúng tôi gần như không biết xoay sở thế nào. Tuy nhiên, đó mới là những khởi đầu của hàng loạt khó khăn khi triển khai ADSL mà chúng tôi phải đối phó.

Năm 2003, FOX toàn quốc đạt doanh thu 7 triệu USD, gấp đôi năm 2002. Chúng tôi đã thực sự gặp thuận lợi khi hợp nhất quy mô kinh doanh. Điều này cho phép thông nhất mạng lưới và đem lại những giá trị tốt hơn cho khách hàng. Những điều thách thức hơn vẫn đang ở phía trước.

Cơn sóng thần

Đây là câu chuyện về những ngày đầu tiên FPT phát triển dịch vụ Internet Băng rộng. Chúng tôi đã vượt qua những thời điểm khó khăn nhất, để sống sót, để tồn tại và để phát triển. Cơn sóng thần ADSL đã mở ra một kỷ nguyên Internet mới ở Việt Nam, trò chơi bây giờ trở nên phức tạp hơn nhiều. Sân chơi chỉ có chỗ cho những người khổng lồ và những người năng động liều lĩnh. Chúng tôi quyết định phải phát triển hạ tầng của mình vì không còn con đường nào khác, đó là con đường sống duy nhất mà đối thủ VNPT đã dồn chúng tôi vào.

Tháng 7 năm 2003, dịch vụ ADSL MegaVNN ra đời đã tạo ra cơn sóng thần cấp 12 trên thị trường Internet. Cơn sóng thần này có thể quét sạch mọi thành quả mà chúng tôi đã có và tự hào trong quá khứ. MegaVNN đã chinh phục hàng chục ngàn khách hàng Dialup của chúng tôi bằng mức cước rẻ và tốc độ trong mơ. Nhìn khách hàng của mình bỏ đi từng ngày, nhìn biểu đồ cước như máy bay hạ cánh, chúng tôi ở ranh giới của sự sống và cái chết. Tôi tâm đắc câu nói của Bill Gates – người sáng lập Microsoft – đại ý là: trong lĩnh vực CNTT & Internet, việc chúng ta thành công ngày hôm nay không có gì đảm bảo cho sự thành công vào ngày mai vì trò chơi và luật lệ đã hoàn toàn đổi thay. Hơn bao giờ hết, tôi thấm thía ý nghĩa của câu nói nói này. Năm 2002, FPT là nhà cung cấp Dialup lớn thứ hai ở Việt Nam. Chúng tôi đã tạo ra 1 tỷ phút truy cập Internet, đối thủ của chúng tôi – VNPT – tạo ra 1.5 tỷ phút. Sản lượng của FPT tương đương 10% tổng số phút gọi điện thoại nội hạt của cả Việt Nam năm đó. Chúng tôi đã từng thuê tới 250 kênh E1 của Bưu điện để tạo ra truy cập đồng thời cho gần 8 ngàn khách hàng. Giờ đây, những con số đó trở nên vô nghĩa trong thời đại của ADSL. Nhà nhà nối băng rộng, tốc độ bây giờ đếm bằng hàng megabit mỗi giây chứ đâu còn là 28.8, 33.6, 56 kilobit mỗi giây. Và chúng tôi thì đếm sự tồn tại của mình theo đơn vị hàng tuần.

FPT đã tiến hàng cuộc thương lượng nhiều tháng trời với VNPT nhằm xin phép được thuê lại sợi cáp đầu cuối của họ để cung cấp ADSL. Sự tồn vong của chúng tôi phụ thuộc vào sợi cáp nối nhà cung cấp đến nhà khách hàng. Chúng tôi được phép cung cấp Internet, Internet Băng rộng nhưng lại không có quyền được sở hữu sợi cáp. VNPT cũng hiểu điều đó, họ cũng đếm rằng chúng tôi cũng chỉ còn giãy chết được vài tuần nữa, họ nghĩ rằng chúng tôi phải chết. Chết một cách quằn quại, đau đớn, từ từ, không lối thoát. Sách lược trên nhìn qua thì rất hợp lý nhưng đó không phải là sự lựa chọn khôn ngoan của hầu hết các nhà viễn thông sở hữu hạ tầng ở nhiều quốc gia khác. Các cụ có câu “đừng dồn người ta đến chân tường”, “chó gặp đường cùng phải cắn càn”, … Nếu VNPT cho chúng tôi thuê sợi cáp của họ thì giờ đây chúng tôi vẫn là một nhà cung cấp không có hạ tầng. Chúng tôi sẽ đời đời kiếp kiếp làm thuê cho VNPT và kính nộp cho họ phần lớn lợi nhuận của mình. Nếu vậy, số phận của FPT rồi cũng sẽ như những anh nông dân suốt đời khốn khó làm trâu cày cho địa chủ. Giờ đây, trao đổi với đồng nghiệp, tôi nói đùa: FPT, Viettel, … khi đó muốn xin làm trâu làm chó cho Tập đoàn VNPT nhưng không được. Họ đã buộc chúng tôi phải làm người.

Và lịch sử ngành Viễn thông Việt Nam đã lật sang một trang mới khi có hàng loạt công ty ùa ra cùng phát triển hạ tầng để giành lại sự sống cho chính mình. Vào mùa hè năm 2003, tôi chưa nghĩ được thông suốt như bây giờ. Bước dịch chuyển từ người nông dân quen làm thuê thành ông chủ đất mới khó làm sao. Trước đây, chúng tôi thuê mọi thứ từ Bưu điện, đóng gói lại rồi bán cho khách hàng. Chúng tôi có biết sợi cáp đi đâu về đâu? Chúng tôi đã sống như vậy 5 năm nhưng giờ đây không được quyền sống như vậy nữa. Chúng tôi họp, họp nhiều lần mà không quyết được là có kéo sợi cáp của mình hay không? Các giám đốc của tôi đều e ngại hàng núi công việc mới lạ, e ngại tính pháp lý của việc chúng tôi sẽ chăng sợi cáp của mình. Thậm chí, chúng tôi lo sợ là liệu mình có bị Bưu điện quy kết kéo cáp lậu và đối diện với nguy cơ hình sự như nhiều công ty kinh doanh điện thoại chiều về không phép. Cuối cùng, tôi đã lần đầu tiên dùng đến quyền phủ quyết là phải kéo cáp, bất chấp mọi phản đối từ nhiều thành viên Ban Giám đốc. Anh Mai Sung – PTGĐ, CTO đã nhiệt thành ủng hộ quyết định này. Chúng tôi đã chọn nền tảng IP cho mạng băng rộng của mình, thay vì những kết nối TDM truyền thống. Tôi suy nghĩ rất đơn giản, IP DSLAM kết nối với nhau bằng vòng Ring tốc độ Gigabit, giá thành rẻ hơn, không phải đầu tư nhiều thiết bị truyền dẫn.

Chúng tôi liên lạc với Huawei – nhà sản xuất thiết bị băng rộng lớn nhất Trung Quốc, văn phòng của họ ở Hà Nội. Nhưng Huawei đón nhận chúng tôi khá lạnh nhạt, họ đang bận chăm sóc khách hàng tiềm năng lớn nhất là VNPT, họ cũng rất am hiểu thị trường viễn thông Việt Nam và họ không tin là chúng tôi sẽ có hoặc sẽ thuê được những sợi cáp đầu cuối để kinh doanh Internet Băng rộng. Huawei đã từ chối FPT bằng một biểu báo giá ở trên trời, chúng tôi chia tay Huawei. Rất tình cờ, một người bạn của anh Mai Sung ở Công ty Nam Trường Sơn (NTS) đã tới giới thiệu Zyxel cho chúng tôi. NTS là đại lý duy nhất của Zyxel ở Việt Nam. Giá chào rẻ hơn Huawei một chút nhưng Zyxel nhiệt tình hơn nhiều. Nhưng rồi, đàm phán với NTS cũng không đi tới đâu, NTS là một công ty nhỏ, họ không có đủ vũ khí và dũng cảm để đàm phán được giá tốt với Zyxel. Chúng tôi đã chọn giải pháp làm việc trực tiếp với Zyxel. Chúng tôi lấy cớ FPT là công ty CNTT lớn nhất ở Việt nam, chúng tôi chỉ mua trực tiếp, nhất quyết không mua quan trung gian. Có lẽ Zyxel cũng ngạc nhiên về sự năng động và nhiệt tình của chúng tôi. Sau hơn hai tuần, tôi đã tiếp xúc với Mr. Kerming Chen – Phó chủ tịch phụ trách bán hàng và đã đạt được mức giá dưới 50 USD/port. Đó là mức giá trong mơ vì chúng tôi biết khi đó, VNPT vẫn mua với giá trên 200 USD/port, tất nhiên, thiết bị của họ do Alcatel sản xuất, có thể trong khía cạnh nào đó xịn hơn thiết bị mà chúng tôi mua.

Chúng tôi đã dựng lên mạng lưới băng rộng đầu tiên của mình với vẻn vẹn 5 DSLAM, 5 POP phủ được một vùng nhỏ bé ở Quận 1, 3 TP HCM. Các DSLAM của chúng tôi được đấu thành vòng Ring bằng cáp quang ở tốc độ Gigabit. Chúng tôi thuê một đơn vị của Bộ Công An kéo các tuyến cáp quang và treo biển “Cáp quang Bộ Công An”. Tháng 10 năm 2003, FPT bắt đầu cung cấp dịch vụ ADSL với các gói MegaNet, MegaBiz. Ngay tháng đầu tiên, chúng tôi kiếm được gần 300 khách hàng – gặm nhấm vào đống hồ sơ hàng chục ngàn khách hàng đang chờ lắp ADSL của Bưu điện. Do mật độ khách hàng thấp, vốn đầu tư ít, chúng tôi không có khả năng xây dựng các hệ thống cáp đa sợi. Chúng tôi đã kéo cáp đầu cuối trực tiếp từ nhà khách hàng đến POP, dây cáp tua tủa như mạng nhện nhưng phần thưởng lớn nhất là mạng đã chạy, chúng tôi khiêm tốn góp tên vào danh sách những nhà cung cấp ADSL đương thời.

Sống sót

Hai tháng sau, FPT đã dựng mạng lưới thứ hai ở Hà Nội với cách thức cũng như những sai lầm quy hoạch mạng lưới tương tự. Chúng tôi đã có 2,000 khách hàng. Sự phức tạp về mạng lưới và sự non nớt đã làm cho chất lượng dịch vụ của FPT thật tệ. Cáp đầu cuối quá dài, dễ đứt, dễ bị nhiễu tín hiệu làm cho kết nối của khách hàng trở nên mong manh.

Thách thức tiếp theo là phải quản lý một đội ngũ đông đảo công nhân kéo cáp, bảo trì cáp. Ở FPT lâu nay toàn các kỹ sư máy tính, chúng tôi đâu có kinh nghiệm quản lý số đông nhân viên lao động giản đơn. Cũng đúng thôi, các nhà lãnh đạo FPT có thể mê hoặc các kỹ sư phần mềm bằng những ảo ảnh Silicon Valley, Bangalore, … với như tượng đài huy hoàng như Microsoft, Tata, Wipro, … nhưng thật khó thuyết phục một anh công nhân bằng lòng với đồng lương ít ỏi để hướng tầm nhìn về một nơi xa xăm. Tháng 2 năm 2004, chúng tôi bối rối với cuộc đình công đầu tiên của anh em công nhân ở SG vì lương tháng bị chậm vài ngày. Rất vất vả, BGĐ SG mới thuyết phục được anh em quay trở lại làm việc ngay trong buổi sáng. Anh Phạm Thanh Tuấn – PGĐ CN SG, anh Lê Đức Thuần – Trưởng phòng KH CN SG đã chạy vòng tròn để giải thích, hứa hẹn và thậm chí dọa dẫm. FPT đã học được nhiều bài học qua vụ việc này. Đây cũng là vụ đình công lần đầu tiên và cuối cùng cho đến nay ở FPT.

FPT tiếp tục phìng mạng lưới, chúng tôi đã lắp thêm hàng chục POP (Point of Present) để cung cấp ADSL, có POP đầy có POP vơi thể hiện sự non trẻ trong hoạch định kế hoạch phát triển. Gọi là POP cho oai chứ thực chất đó là một cái tủ sắt 60cm x 120cm x 120cm, có gắn bộ chuyển nguồn DC 48v, 4 cái ắc quy 12v và khoảng trống để lắp 2 chiếc DSLAM Zyxel IES2000. Thiếu kinh nghiệm và kinh phí hạn hẹp, chúng tôi không thuê được chỗ tốt để đặt POP mà thường để trên ban công các nhà dân. Cái nắng chói trang đã làm tủ của chúng tôi nóng ran, DSLAM treo, khách hàng đứt kết nối, khiếu nại, chửi bới, … Chúng tôi vượt được qua bước khởi đầu khó khăn, nhưng vẫn không thể ngủ ngon. Trong suốt 20 tháng kể từ tháng 10 năm 2003, lúc nào chúng tôi cũng cánh cánh nỗi lo bị Bộ BCVT, bị Sở BCVT thổi còi. Chúng tôi đã sở hữu một hạ tầng mà chúng tôi không được quyền sở hữu một cách hợp pháp. Câu chuyện vô cùng mâu thuẫn, chúng tôi được quyền cung cấp ADSL những không có quyền tự kéo sợi cáp và trên thị trường chỉ có một người sở hữu sợi cáp là VNPT nhưng họ thì nhất định không cho bất kỳ ai thuê. Nhìn sang Hàn Quốc, vào những năm 1997 – 1998, Chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu Nhà cung cấp viễn thông chủ đạo (incumbent) là Korea Telecom (KT) mở cửa hạ tầng cho nhiều ISP vào kinh doanh ADSL.

Giống như ở Việt Nam, ADSL khi đó là của hiếm, giá cước lên tới 60 USD/tháng. Các ISP đã hào phóng trả cho KT 10 – 15 USD/tháng để thuê một sợi cáp. Khởi đầu như thế vô cùng sung sướng, chỉ trả có 10 – 15 USD/tháng để không phải đầu tư mạng lưới cáp, công việc đơn giản là đem DSLAM tới KT, cắm qua splitter vào mạng cáp và cung cấp ngay dịch vụ ADSL cho khách hàng của KT. Tuy nhiên, gió đổi chiều rất nhanh, do thị trường rất cạnh tranh, giá cước ADSL đã nhanh chóng rớt xuống mức 15 – 20 USD/tháng. Khi đó, tiền thuê cáp phải trả hàng tháng trở thàng gánh nặng bất khả thi, mà KT đâu phải là người dễ dàng thương lượng, họ sở hữu sợi cáp, họ cầm đằng chuôi còn các ISP rõ là đang nắm lưỡi dao trong trò chơi Internet băng thông rộng. Và rồi, đa phần các ISP ở Hàn Quốc đã cay đắng bán lại DSLAM, bán lại khách hàng cho KT. Họ đã đến tay không và ra về tay không. Một tên tuổi lớn như Dacom đã biến mất.

Từ đó, tôi kinh nghiệm hai điều: Một là không bao giờ nên tin rằng mình có thể trồng trọt và thu hoạch lâu dài trên một mảnh đất do người khác đứng tên. Hai là nếu việc gì quá dễ dàng thuận lợi thì chắc chắn sẽ chứa đựng những khó khăn tiềm ẩn mà chúng ta chưa nhìn ra. Các Cụ có câu rất chí lý: “vô công bất thụ hưởng”. Quay trở lại Việt Nam, chúng tôi tuy không cầm lưỡi dao những cũng chỉ mới sờ được vào cán dao. Chúng tôi bỏ ra nhiều triệu USD để đầu tư vào một hạ tầng không có tính pháp lý. FPT đã cố gắng hợp thức hóa hạ tầng của mình. Câu chuyện này trở nên vô cùng phức tạp do nhiều điều kiện cấp phép khắt khe theo Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông. Ôn lại những năm đó, chúng tôi thường nhắc đến máu và bao nhiêu mồ hôi đã đổ để xây dựng hạ tầng mạng của FPT.

Sự cố tai nạn đầu tiên và thảm khốc nhất đã xảy ra. Đó là vào tháng 9 năm 2004, ở Hà Nội. Ngày 28/09/2004, vợ tôi trở dạ cháu bé thứ tư, tôi túc trực ở Bệnh viện Pháp Việt SG. Đến chiều, vợ chồng tôi có đứa con trai thứ tư – Kiến. Vợ con tôi nằm ở bệnh viện, trưa hôm sau, chị HàCT gọi điện thoại cấp báo cho tôi là ở Hà Nội vừa xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, một công nhân bị thương nặng. Đó là em Nguyễn Văn Lượng, 19 tuổi, một công nhân thi công cáp thuê bao của FPT. Khách hàng hôm đó ở khu Hào Nam, đã xây một ngôi nhà 3 tầng ở ngay dưới hành lang an toàn của đường dây điện cao thế 110KV. Lượng được phân công tới giúp khách hàng kéo lại sợi cáp vào nhà cho phù hợp thẩm mỹ. Khi đã hoàn tất công việc về phía FPT, khách hàng nhờ Lượng đi lại sợi cáp truyền hình. Đứng trên gác, Lượng kéo mạnh sợi cáp, bó cáp vướng vào xe máy ở dưới nhà rồi bật mạnh lên phía trên, do ngôi nhà vi phạm hành lang an toàn, sợi cáp truyền hình bay lên cao bị điện cao thế đánh từ đường dây 110KV xuống làm Lượng bỏng cháy thành than. Giám đốc phát triển hạ tầng ở Hà Nội khi đó là anh KhoaNV, anh ToảnNC đến ngay hiện trường và cùng đưa Lượng vào cấp cứu ở bệnh viện.

Anh KhoaNV kể lại là quần áo cháy sạch, người Lượng bong ra từng mảng, Lượng chỉ nói được vài lời. Anh Bình, anh TiếnLQ, chị HuyềnLH, chị DưNT và nhiều anh chị khác đã lập tức tới bệnh viện và chúng tôi đã làm mọi việc, huy động mọi nguồn lực có thể để cứu Lượng. Từ Bệnh viện Pháp Việt SG, tôi chạy thẳng ra sân bay. Nhờ người em họ tôi làm ở TIAGS, tôi lên ngay chuyến bay một tiếng sau đó bay ra Hà Nội. Tôi đến nơi thì Lượng vừa mất. Cơ thể mảnh mai của một con người không cách nào kháng cự được tia sét 110KV. Chúng tôi đưa Lượng về quê, Hà Tây, một làng nghèo cách Hà Nội ba chục km. Gia đình Lượng chịu đựng sự bất hạnh thứ hai liên tiếp. Cách đó hơn một năm, anh cả của Lượng và đứa cháu ruột chết đuối. Cha Lượng kể là cách đó vài hôm, ông mơ thấy con cả về gọi Lượng đi. Tôi là người vô thần, không tin vào những thế lực siêu nhiên nhưng cũng cảm thấy rùng mình. Đưa Lượng đi, em là người đầu tiên trong đội ngũ FOX ra đi. Chúng tôi đưa em dọc cả chặng đường quê dài ra tận cánh đồng xanh, hàng trăm anh em đã đưa Lượng đến nơi cuối cùng, nơi trở về với cát bụi. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, công việc mình làm có thể nguy hiểm đến tính mạng một con người. Chúng tôi nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của cả đại gia đình FPT. Con người trở nên bé nhỏ, lẻ loi, cần sự giúp đỡ khi rơi vào hoàn cảnh như thế này. Toàn FPT đã quyên góp để giúp đỡ gia đình Lượng, sinh mạng là quý giá nhất, chúng tôi không cách nào bù đắp lại được cho gia đình em, chúng tôi chỉ có thể làm nhẹ bớt cơn đau, cơn đau không bao giờ nguôi.

Bỏ chạy khỏi Đà Nẵng

Tháng 4 năm 2003, Tổng cục Bưu điện đã cấp giấp phép IXP cho chúng tôi. Giấy phép này cho phép FPT được kết nối mạng của mình trực tiếp ra quốc tế thay vì phải thuê lại kết nối của VDC – VNPT, IXP duy nhất cho đến thời điểm bấy giờ. Gọi là được nối trực tiếp nhưng không có nghĩa là chúng tôi được đi thẳng ra nước ngoài. Gọi chính xác hơn là được mua trực tiếp, thay vì phải mua lại qua IXP. Chúng tôi lập tức bắt quen với Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI), khi đó, chỉ có VTI sở hữu kết nối ra nước ngoài. Họ có 02 tuyến cáp quang biển là TVH cập bờ ở Vũng Tàu và SMW3 cập bờ ở Đà Nẵng. Trước đây khi thuê của VDC, chúng tôi mất vài tuần làm việc để ký hợp đồng, chuyển sang VTI, thương lượng một hợp đồng kéo dài 4 – 6 tháng. Chúng tôi đồng ý với mọi yêu cầu từ VTI, thì cũng còn lựa chọn nào khác đâu mà dám không đồng ý?

Đến tận tháng 10 năm 2003, cuối cùng chúng tôi cũng nối được với VTI, tổng cộng là 4E1, dung lượng vẻn vẹn có 8 Mbps. 8 Mbps này ngốn mất của chúng tôi số tiền khổng lồ 80 ngàn USD/tháng gồm: 64 ngàn USD trả cho VTI thuê nửa kênh (Half Circuit) phía Việt Nam, 16 ngàn USD trả cho Reach Global Service thuê nửa kênh phía nước ngoài + IP Transit; 10 ngàn USD/Mbps – một mức giá ngoài hành tinh mà người Việt Nam phải trả, sau này, khi ôn nghèo kể khổ với một TGĐ công ty viễn thông nước ngoài, ông này giật mình đánh rớt luôn miếng nem rán đang gắp. Tháng 1 năm 2004, Tổng cục Bưu điện ban hành biểu giá kết nối quốc tế mới. Công nhận là VNPT thâm thật, họ lobby nhà nước bàn hành biểu giá cước cực đắt ở Hà Nội, TP HCM nhưng lại bán giá rẻ hơn ở Đà Nẵng và Vũng Tàu theo cái gọi là khung giá thuê kênh quốc tế tại trạm cập bờ. Để được hưởng mức giá thấp, chúng tôi không còn cách nào khác là phải tới Đà Nẵng, ở Vũng Tàu tuyến cáp quang biển TVH cũ kỹ chỉ có dung lượng 560 Mbps đã hết công suất – VTI cho biết như vậy.

Chúng tôi ký hợp đồng thuê kênh quốc tế 45 Mbps phía Việt Nam ở Đà Nẵng với giá 140 ngàn USD/tháng, cùng với phần chi phí thuê nửa kênh ở nước ngoài và IP Transit, chúng tôi phải trả tổng cộng 160 ngàn USD/ tháng. Để chuyển lưu lượng từ Đà Nẵng về HN và SG, chúng tôi thuê 34 Mbps ĐN – HN, 34 Mbps ĐN – SG của Viettel, tốn thêm 20 ngàn USD/tháng nữa. Tính ra, giá mỗi Mbps “chỉ còn” 4 ngàn USD/tháng. Tuy nhiên, VTI ép chúng tôi một bản hợp đồng đầu rẫy những điều khoản bất lợi, tỷ như nếu chúng tôi kết thúc hợp đồng trước 5 năm, FPT phải “đền bù” cho VTI 500 ngàn USD. Sự lựa chọn của chúng tôi là ký tất cả những gì họ yêu cầu để sớm có kết nối.

Đã đến Đà Nẵng, chúng tôi quyết định triển khai kinh doanh luôn ở Đà Nẵng. Có hai chiến sỹ xung phong tới đây là anh KhoaNV, anh LắmNN. Tôi và hai anh lập tức khăn gói tới Đà Nẵng, chúng tôi gặp Giám đốc VTI3, Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng. Giám đốc VTI3 tiếp chúng tôi rất hồ hởi, với hợp đồng cấp kênh cho FPT, VTI3 thu được 1.7 triệu USD/ năm, và nếu chúng tôi thuê 5 năm thì đó là gần chục triệu USD, đó không phải là hợp đồng dễ có ở một xứ xa xôi như Đà Nẵng. Ông Thế – Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng là một người rất quyền thế ở đây. Nghe anh KhoaNV nói, ông Thế thời trai trẻ là một fan của bà cụ nhà KhoaNV. Ông Thế lại giới thiệu cho chúng tôi anh con rể là Giám đốc Trung tâm Tin học Bưu điện Đà Nẵng – nơi mới xây được một tòa nhà ITC nguy nga ở ngay bến Bạch Đằng và có nhu cầu cho thuê. Tôi mừng quá, quê tôi ở Điện Bàn, Quảng Nam, về đến quê nhà mà thuận lợi như vậy thì còn gì bằng. Chúng tôi nhanh chóng ký hợp đồng thuê nhà ở ITC, giá thuê không đắt, chúng thuê cả một tầng chỉ hết 1,300 USD/tháng. KhoaNV, LắmNN lập tức chở hàng chục thùng thiết bị ra Đà Nẵng, nào 2 cái UPS 10KVA nặng nửa tấn, nào Router, nào Remote Access, nào sàn nâng,…

Trong vòng 3 tuần, chúng tôi dựng lên một Data Center nho nhỏ để sẵn sàng đón chờ kết nối từ VTI3. Và rồi, những rắc rối bắt đầu, Bưu điện bắt bí buộc chúng tôi thuê đoạn cáp quang dài chưa tới 500m nối từ ITC sang bưu điện với giá 80 triệu đồng/tháng, rồi anh con rể Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng trở mặt không cho chúng tôi kéo cáp từ ngoài vào tòa nhà dù rằng hợp đồng giấy trắng mực đen dấu đỏ mà hai bên vừa ký đã ghi rõ cho phép chúng tôi làm việc đó. Thế là Data Center nhỏ nhỏ của FPT lập tức biến thành “Cuba – hòn đảo tự do”, không nối được sang VTI3 mà cũng chả nối được ra ngoài. Ngồi ngắm đống thiết bị chạy ro ro, lòng tênh cho sự nhẹ dạ của mình. Không rõ, bố con ông Thế trả thù cho nỗi niềm của một fan ba mươi năm hay Bưu điện quyết đập chết FPT từ trứng nước, bớt một đối thủ khỏi cạnh tranh ngo ngoe ở Đà Nẵng. Sau 4 tuần ra sức đàm phán, thuyết phục, ăn nhậu, quà cáp,… chúng tôi nhận được quả đắng bất khả thi từ những người thương thuyết rắn như đanh và chỉ có một mục tiêu là làm cho chúng tôi chán nản.

Không thể kéo dài thời hạn nhận kênh từ VTI3, tôi quyết định rút chạy. Router Cisco 7206, chúng tôi chọn giải pháp thuê co-location ở VTI3 với giá 500 USD/tháng rồi nối cross connect với Viettel để chuyển lưu lượng từ Đà Nẵng vào Sài Gòn và ra Hà Nội. Chúng tôi xin thanh lý hợp đồng thuê nhà, đền bù 3 tháng tiền nhà, gói ghém thiết bị gửi hết về HN. 8 tuần ở Đà Nẵng làm chúng tôi thiệt hại tổng cộng gần 200 triệu đồng và nhận được bài học to đùng đối với việc tập tọe đi ra khỏi địa bàn của mình. Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng – không có gì đúng hơn trường hợp của FPT khi tới Đà Nẵng vào năm 2004. Như những người lính thất trận, chúng tôi trở về “Suriento”…

Đứt cáp quang biển

Rút khỏi Đà Nẵng, KhoaNV về Hà Nội còn tôi và LắmNN thì quay lại Sài Gòn. Gặm nhấm nỗi buồn, chúng tôi được niềm an ủi là với kết nối 45 Mbps trực tiếp ra quốc tế, đường truyền của chúng tôi nhanh hẳn. Giá cước 4 ngàn USD/Mbps không hề rẻ, chúng tôi ngày càng cần nhiều băng thông hơn trong khi không sẵn sàng bỏ thêm 180 ngàn USD/tháng để thuê tiếp kênh 45 Mbps thứ hai. Đúng là dở dang, ăn một con gà thì chưa no nhưng chủ quán thì chỉ bán chẵn theo đơn vị là từng con gà. Không lẽ chờ đói hẳn thì mới mua con gà tiếp theo? Tình cờ search trên mạng, tôi gặp một công nghệ rất hay gọi là nén dữ liệu song hành của hãng Peribit.com.

Với thiết bị lặp ở hai đầu của kết nối, Peribit có thể nâng cao dung lượng truyền dữ liệu tới 60 – 70%. Thấy hay quá, tôi lập tức liên hệ với Peribit và ba tuần sau, tôi đã quyết định đầu tư 120 ngàn USD để mua 3 Peribit Box, đặt tại Hong Kong, Hà Nội và Sài Gòn. Tại Hong Kong, chúng tôi đặt luôn tại Data Center của Reach Global Service và mua gấp đôi băng thông IP Transit ở đây. Kết quả thu được thật ấn tượng, chúng tôi đã tăng được đến 50% băng thông quốc tế khi lùa toàn bộ dòng dữ liệu truy cập Internet qua các đường ống Peribit. Chúng tôi thu hồi toàn bộ vốn đầu tư chỉ sau hai tháng vận hành Peribit.

Tối 24 tháng 5 năm 2004, đột nhiên kết nối quốc tế của chúng tôi đứt phụt. Chỉ vài chục giây sau, tổng đài hỗ trợ kỹ thuật của chúng tôi bị flood bởi hàng ngàn cuộc gọi của khách hàng. Kênh quốc tế duy nhất của chúng tôi thuê của VTI3 đã chết, liên lạc với VTI, họ nói cáp quang biển trên tuyến SMW3 bị sự cố, khi nào khôi phục thì chưa rõ. Cả đêm 24, chúng tôi không ngủ, nhưng quả thật trong tay chúng tôi không có bất cứ phương tiện gì khả dĩ để khắc phục kết nối. Phải chịu sức ép từ hàng ngàn khách hàng liên tục khiếu nại, chưa bao giờ chúng tôi chịu sức ép đến như vậy. Tất cả anh em tổng đài support như lả đi với cường độ công việc gấp hàng trăm lần ngày thường.

Sáng 25, Tổng cục Bưu điện đã triệu tập khẩn cấp các đơn vị kinh doanh viễn thông nhằm tìm biện pháp khắc phục. Toàn bộ kết nối ra quốc tế từ Việt Nam giờ đây chỉ còn trông mong vào sợi cáp TVH với dung lượng rất nhỏ. Chúng tôi kiến nghị Tổng cục Bưu điện cho phép FPT được lắp khẩn cấp trạm vệ tinh VSAT để cấp cứu nhưng đề nghị này không được phê duyệt. Đến chiều muộn ngày 25, chúng tôi ký hợp đồng được với VDC2 ở TP HCM thuê 45 Mbps khẩn cấp để khôi phục kết nối. Anh Vũ Hoàng Liên – GĐ VDC, anh Trương Hoài Trang – GĐ VDC2 đã hết lòng giúp đỡ FPT vào thời điểm nguy ngập nhất trong lịch sử phát triển của chúng tôi. Các anh đã ứng xử như những người quân tử, tôi vô cũng kính trọng anh Liên, anh Trang và mãi mãi biết ơn các anh đã đứng bên chúng tôi trong những ngày khó khăn tháng 5/2004. Kết nối khôi phục, chúng tôi trút được gánh nặng khủng khiếp kéo dài hơn 24 giờ qua. Mail Server của chúng tôi tắc nghẽn vì hàng triệu email ứ đọng từ tối 24.05 nhưng chí ít, mạng đã chạy dù rất chậm. VDC cũng mất nhiều tuyến kết nối quốc tế trên SMW3, các hệ thống dự phòng của VTI chỉ đáp ứng nổi cho dịch vụ điện thoại, sự cố này cho thấy Internet đã chiếm một tỷ trọng băng thông vô cùng lớn trên các tuyến cáp quang ra quốc tế.

Sự cố SMW3 kéo dài gần hai tuần, chỉ đến cuối tuần đầu tháng 6, kết nối của FPT qua VTI mới được khôi phục. Trong suốt thời gian đó, VTI không thể hiện bất cứ một biện pháp chăm sóc, hỗ trợ gì chúng tôi, FPT là một khách hàng bị bỏ rơi. Chưa bao giờ, chúng tôi bị khiếu nại nhiều như vậy, rất nhiều khách hàng đã bỏ chúng tôi. Một doanh nghiệp viễn thông không có hạ tầng, không sở hữu đường trục kết nối quốc tế khổ như vậy đó. Chúng tôi đã công bố một chương trình đền bù giảm cước lớn nhất đến giờ, chúng tôi đã đền bù 3.5 tỷ đồng cho các khách hàng vì sự cố đứt cáp SMW3. Chúng tôi hy vọng khách hàng thông cảm một phần nào với FPT, chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được.

Tới thăm NCSoft

Cuối năm 2004, khi dịch vụ ADSL đã phát triển được kha khá, tôi bắt đầu nghĩ tới việc phát triển nội dung để khai thác customer base của mình và chúng tôi bắt đầu thử sức với Game Online. Lần đầu tiên tôi chơi thử một Game Online là vào khoảng tháng 10 năm 2004. Các anh DũngNĐV, Hải Nobita đã chơi thử trò Lineage II trên một server không bản quyền. Khá thú vị khi hàng ngàn người có thể gặp gỡ, giao chiến trong một thời đại trung cổ. Chúng tôi thiết lập nhóm Task Force nghiên cứu về Game Online và sau vài tuần, nhóm đã trình lên một sách các Game mà chúng tôi có thể quan tâm. Khi đó, các nhà sản xuất Game Online chính yếu đều ở Hàn Quốc, tôi chưa có nhiều contact point ở đó, liên lạc với các công ty Hàn Quốc cũng khá khó khăn vì họ quá thành công tại thị trường nội địa và phần nhiều chưa quan tâm tới việc xuất khẩu ra nước ngoài, hơn nữa, lại xuất khẩu đến một nơi chưa có tên tuổi như Việt Nam.

Tôi bèn cầu viện anh Bình Tôi luôn nói với các đàn em là cần biến quan hệ cộng sự trong công ty thành như quan hệ trong gia đình. Ở nhà, nếu bạn đi ra phố bị bắt nạt, bị đánh – hiển nhiên bạn sẽ chạy về gọi ngay anh mình, bố mình ra can thiệp. Đó là bản năng của con người, khỏi cần suy nghĩ nhiều. Còn ở công ty, nếu bạn bị ức hiếp, bạn gặp khó khăn bạn sẽ gọi ai? Trong nhiều trường hợp, thường là ta sẽ cố sức tự giải quyết vấn đề của mình và ít cầu viện từ cộng sự, từ cấp trên. Chúng ta sợ mọi người đánh giá thấp mình chăng? Sợ rằng cấp trên cho rằng ta thiếu năng lực chăng? Đúng vậy, nhưng ở một khía cạnh khác, nếu chúng ta không hoặc không dám kêu gọi được sự hỗ trợ thì có lẽ sự trao đổi chia sẻ giữa cộng sự, giữa cấp trên và cấp dưới còn có nhiều vấn đề. Hoặc chúng ta chưa tin tưởng ra cộng sự hay cấp trên có thể giúp hay hỗ trợ được mình. Còn nếu như ở công ty, chúng ta xây dựng niềm tin và tính tương hỗ như ở nhà mình, chắc chắn công việc sẽ được giải quyết nhanh và tốt hơn nhiều.

Quay lại chuyện mua Game, anh Bình thông qua Hiệp hội Phần mềm VINASA, thông qua nhiều đối tác làm ăn Hàn Quốc đã lên ngay chương trình đi khảo sát thị trường Game Online ở Hàn Quốc. Đối tác nhận giúp chúng tôi là LG, họ đang cùng FPT tiến hành đấu thầu nhiều dự án công nghệ thông tin. Chúng tôi lên đường ngay sau Tết dương lịch, tôi và anh DũngNĐV bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để nhập đoàn với anh Bình, chị HàCT đi Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên tôi đi công cán với anh Bình, cũng lạ, sau 10 năm làm việc cho công ty, tôi mới gọi “đại ca” ra đánh giúp một trận, quả thật cũng hơi dại, nhẽ ra phải gọi “đại ca” nhiều hơn.

Anh Bình là một nhân cách lạ, dù là ông chủ lớn, anh vẫn chỉ thích ngồi máy bay hạng economy. 12 giờ đêm, lên máy bay, tôi ngồi cạnh anh, cả hai chúng tôi đều to con, ghế quả là rất chật nhưng chỉ một lúc sau, anh đã ngủ ngon, nhưng tôi thì vật vờ không ngủ được. Rồi anh nghiêng dần sang phía tôi, tôi co người trong không gian chật hẹp. 6 giờ sáng, tới Seoul, tôi đi vẹo một bên, người cứng như gỗ sau một đêm lèn cá hộp. Tới Hàn Quốc, lịch họp của chúng tôi dày đặc, 3 – 4 cuộc/ngày. Đến Seoul vào 6 giờ sáng, các bạn LG đón chúng tôi và đưa về khách sạn. Chúng tôi check-in, cạo râu, rửa mặt xong là lên đường tới cuộc hẹn đầu tiên.

Rất may, LG là cây đại thụ – chaebon của nhiều ngành công nghiệp ở Hàn Quốc. Họ có mặt ở khắp nơi và tất cả các công ty đều rất kính trọng người của LG. Khi LG hẹn, các công ty đối tác Game Online đều nhận lời tiếp chúng tôi. Trước đó, hầu hết các liên lạc của chúng tôi từ Việt Nam tới các công ty này đều không nhận được phản hồi. 10:00 sáng, chúng tôi tới tổng hành dinh của NCSoft – người hùng của công nghiệp Game Online Hàn Quốc. Đón chúng tôi là một Phó Chủ tịch, ông ta xin lỗi là ông Chủ tịch bận. Sau này chúng tôi mới biết, sau khi NCSoft niêm yết thành công ở NASDAQ, ngài Chủ tịch đã chuyển trụ sở lên một du thuyền dài hơn 100m và thường xuyên ngao du trên Thái Bình Dương, các nhân viên điều hành cũng ít khi gặp được Chủ tịch.

Chúng tôi, choáng ngợp trước quy mô của NCSoft, họ đóng trong 4 tòa nhà 20 tầng ở ngay trung tâm Seoul, khu vực rất đắt đỏ. Bốn ngàn nhân viên NCSoft phát triển và vận hành nhiều dự án game khác nhau. Năm 2004, NCSoft có doanh thu 240 triệu USD và đạt lợi nhuận 90 triệu USD, tất cả hoàn toàn từ game. NCSoft mời chúng tôi đến tham quan khu vực Internet Data Center (IDC) nơi họ đang host hàng ngàn Game Server phục vụ cho khoảng 160 ngàn CCU (Concurrent User – người chơi đồng thời) của Lineage II, 120 ngàn CCU Lineage I, … Hệ thống IDC rất hiện đại, cực kỳ bảo mật chiếm 02 tầng trong tòa nhà NCSoft, họ kết nối ra backbone Internet Hàn Quốc bằng 4 Router Cisco 12000 với băng thông 12 Gbps. Nhìn những biểu đồ về số người chơi của NCSoft, chúng tôi thực sự sốc.

Anh Bình vô cùng ấn tượng với NCSoft, nhìn hàng ngàn cái server chạy rào rào để mỗi năm đem lại mấy trăm triệu USD doanh thu, cả trăm triệu USD lợi nhuận mà lại không hàng tồn, không công nợ, … đấy mới chính là ngành công nghiệp không khói mà FPT hằng mơ tới. Tôi cho rằng quyết tâm của Anh Bình về việc dịch chuyển FPT theo xu hướng 2.0 có lẽ cũng phần nào bắt nguồn từ khi chúng tôi đi làm thầy bói sờ con voi NCSoft. Tuy nhiên, việc mua bản quyền của NCSoft không đi đến đâu do NCSoft không muốn bán bản quyền mà muốn lập công ty liên doanh tại các quốc gia khác rồi thông qua đó kinh doanh tất cả các game của họ. Mô hình này họ đã áp dụng ở Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản,…

Còn FPT, vào năm 2004, ý tưởng thành lập một công ty mà FPT không chiếm 100% vốn là quá xa vời. FPT cho đến nhiều năm sau này vẫn quen làm tất ăn cả. Cá nhân tôi cho rằng đó là một phương thức lạc hậu và dẫn đến hậu quả là FPT chậm chân trong nhiều lĩnh vực. Về vấn đề cấu trúc sở hữu của doanh nghiệp, tôi luôn thuyết phục anh Bình và nhiều ủy viên HĐQT thuộc thế hệ đầu tiên rằng việc lập một công ty cổ phần nào đó để tiến quân sang một thị trường mới là giống như anh em mình rủ nhau đi “cướp”, đi “chia” lại nhà ông hàng xóm chứ không phải san sẻ căn nhà mà chúng ta đang ở. Chỉ có hai khả năng xảy ra, một là không “cướp” nổi thì ta chia tay nhau ai về nhà nấy, còn là “cướp” được thì chúng ta có thêm căn nhà thứ hai. Chuyện đơn giản như “con gián”, vậy mà nhiều năm sau, FPT mới dám thử nghiệm.

Gặp Ông chủ của MU Online

Rời NCSoft, chúng tôi tới gặp Yedang Entertainment. Yedang là công ty nhỏ hơn nhiều, cơ sở cũng khiêm tốn hơn, ngôi nhà to nhưng cũ, nằm trong đường nhỏ. Tiếp chúng tôi là Chủ tịch, CTO, Giám đốc bán hàng hải ngoại. Họ trình chiếu một bản presentation bằng Movies giới thiệu toàn cảnh các ngành kinh doanh của Yedang, trong đó nguồn thu lớn nhất là từ Game Online, Music… Còn tôi thì tiếp tục nhai lại bản trình bày bằng PowerPoint, rõ là lép vế về độ hoành tráng, âm thanh, hình ảnh. Thảo luận tập trung vào game Priston Tale (PTV) mà Yedang muốn chào bán cho FPT. Game này với nhân vật cartoon dễ thương khi đó có khá nhiều người Việt Nam tham gia ở server Hàn Quốc. Do bị khớp, chúng tôi đã nhanh chóng ký biên bản ghi nhớ mua PTV mà thiếu đi nhiều sự đánh giá cần thiết về việc liệu PTV có phù hợp với môi trường máy tính ở Việt Nam hay không. Sau này chúng tôi đã phải trả giá về chuyện này.

Tối hôm đó, đoàn FPT ăn cơm với Phó chủ tịch LG. Những bữa ăn tối kéo dài lê thê theo văn hóa Hàn Quốc là một nỗi khiếp sợ đối với tôi. Thường thì các bữa tiệc bắt đầu vào khoảng 6 giờ tối và kết thúc ít khi trước 11 giờ đêm. Năng lực ăn uống và độ hiếu khách của người Hàn Quốc là vô biên. Nhân viên của đối tác nói với tôi là anh ta hầu ngày làm việc cũng chỉ kết thúc vào 11 giờ khuya, không phải tiếp khách hàng thì cũng team building với nhau, 12 giờ về tới nhà, ngủ và dậy vào 6 giờ sáng hôm sau để tiếp tục một ngày mới rập khuôn như vậy. Sau này, tôi có nghiên cứu sự thành công của một công ty là Focus Media ở Trung Quốc, chuyên khai thác các TV quảng cáo ở cầu thang máy, nhà hàng, quán karaoke, nhà vệ sinh, … sự thành công của công ty này dựa trên sự bận rộn quá mức của người dân các nước công nghiệp, không có thời gian ngó tới TV, báo chí, … và thời gian rảnh để xem một cái gì đó gọi là quảng cáo thì chỉ trong khi chờ thang máy, trong khi giải tỏa ở nhà vệ sinh,…

Sáng hôm sau, chúng tôi tới Webzen – một người hùng khác của Game Online Hàn Quốc. Cơ sở của Webzen cũng rất hoành tráng, chiếm 6 tầng trong một tòa nhà đắt nhất ở Seoul. Người bạn ở LG chỉ sang ngay bên đường bên kia là một tòa Condo cực kỳ sang trọng mà giá mỗi căn hộ ở đó ít nhất 3 triệu USD. Tiếp chúng tôi là Mr. Kim Nam Ju (Mr. Kim) – Chủ tịch, Mr. John Kim – CFO, Giám đốc bán hàng hải ngoại. Webzen là trường hợp điển hình của sự thành công kỷ nguyên dot Game ở Hàn Quốc.

Năm 2000, Mr. Kim xuất thân là một nhà thiết kế đồ họa và khởi nghiệp với một cửa hàng máy tính nhỏ, 3 nhân viên. Một người bạn tôi có quen Mr. Kim thời đó nói cửa hàng của ông giống như hàng trăm cửa hàng máy tính nhỏ nhỏ ở đường Bùi Thị Xuân, Sài Gòn. Với vài cộng sự, Mr. Kim đã cho ra mắt Game MU Online vào cuối năm 2001. MU đã tạo thành một địa chấn ở Hàn Quốc, lan sang Trung Quốc – tạo nên sự thành công của một tượng đài khác là The9 – ở Trung Quốc. Với bước thành công MU, The9 vươn lên vị trí hàng đầu, rồi trở thành nhà phát hành World of Warcraft (WoW) ở Trung Quốc. Hiện nay, ước tính có 1 triệu người Trung Quốc đang trả 15 USD/tháng để tham gia WoW. Webzen sau đó đã niêm yết thành công ở NASDAQ, vào lúc cao điểm trị giá vốn hóa là khoảng 400 triệu USD.

Khi chúng tôi tới Webzen, họ vừa kết thúc một năm kinh doanh 2004 ấn tượng với doanh thu 48 triệu USD, lợi nhuận 20 triệu USD. Mr. Kim đã thành triệu phú, nhưng nếu gặp ông ta ở ngoài đường thì không ai hình dung nghĩ rằng đó lại là Chủ tịch của Webzen. Mr. Kim mặc quần bò, áo len cổ lọ, khuôn mặt hiền lành chất phác, ít nói. Ông ta giống như một trong hàng ngàn lập trình viên của FPT Software đang hàng ngày cặm cụi coding. Và quả thật, Mr. Kim vẫn đang coding, dù là Chủ tịch, nhưng công việc yêu thích của ông ta vẫn là thiết kế những mẫu avatar mới cho MU. Công ty thành công, là Chủ tịch, Mr. Kim thuê hàng loạt nhân viên điều hành có bằng MBA điều hành công ty, còn ông ta tiếp tục với đa mê cũ của mình. Mr. Kim dắt chúng tôi tới một gian phòng lớn trưng bày sa bàn của rất nhiều bản đồ (Map) trong MU Online, mỗi Map như một chiến trường Điện Biên Phủ ở Bảo tàng Quân đội – Hà Nội.

Webzen, đang say sưa chiến thắng, họ hầu như ít quan tâm đến một nơi nào đó tên là Việt Nam, có một công ty nào đó tên là FPT. Họ tiếp chúng tôi vì nể “đại ca” LG. Giám đốc bán hàng hải ngoại – Mr. Yooshin Park thì có quan tâm hơn, ông ta hẹn vài tuần sau sẽ cử một số nhân viên khảo sát sang thăm Việt Nam, sẽ ghé FPT để bàn thêm. Phía Webzen yêu cầu FPT làm một bản báo cáo về tình hình thị trường Game Online ở Việt Nam, tình trạng vi phạm bản quyền. Ở Việt Nam, MU “lậu” hiện đang rất thịnh hành, Webzen muốn biết chúng tôi có thể làm gì cả Private MU Server? Đối với nhiều người Việt Nam, MU là trò chơi Game Online đầu tiên trên các server “lậu” và MU Global do chính Webzen vận hành nhằm tiếp thị trò chơi này ra cộng đồng gamer nước ngoài. MU là trò chơi có góc nhìn 2.5D, không đòi hỏi cấu hình cao và theo nhiều gamer nói là chơi ít chóng mặt hơn các game 3D khác. Xuất xứ MU “lậu” chắc là do công tác quản lý kém – điều này không có gì ngạc nhiên khi Mr. Kim chỉ khởi đầu công ty với 3 người, và thành công quá nhanh. Webzen đã để lộ source của những bản MU Online đầu tiên, đặc biệt khi họ triển khai MU ở Trung Quốc thông qua công ty The9. Từ đó, ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đã mọc ra hàng ngàn server “lậu”, như nấm sau cơn mưa. MU rất hay nhưng khó khăn mà nhà phát hành bản địa phải đối mặt là các server “lậu”. Chủ các server “lậu” có thể là bất cứ ai, họ đông hàng ngàn, không tên, không tuổi, nay mọc, mai lặn. Trong cuộc chiến với các đối thủ vô hình này, phần thưởng rất lớn nhưng khó khăn cũng cao như núi.

Kết nối ra quốc tế

FPT Telecom nâng băng thông kết nối quốc tế lên 7.5 Gbps và trở thành nhà cung cấp Internet Băng rộng có dung lượng ra quốc tế lớn nhất ở Việt Nam. Chúng tôi không dừng ở đó, chúng tôi sẽ có thêm 40 Gbps kết nối với tuyến cáp quang biển xuyên lục địa AAG sẽ cập bờ ở Vũng Tàu trong vài quý tới, chúng tôi sẽ nối thông 20 Gbps nữa với China Telecom, China Netcom tại Lạng Sơn, Lào Cai ngay trong Quý 2 này. Trong vòng 3 năm, chúng tôi đã nâng tổng băng thông quốc tế lên hàng trăm lần. Chúng tôi vinh dự được góp một phần sức lực trong kỷ nguyên hội tụ số đang tới và đem lại tiềm năng phát triển mới cho Việt Nam.

Cho đến cuối năm 2004, FPT mới có vẻn vẹn 90 Mbps kết nối ra quốc tế, 45 Mbps thuê của VTI3 ở Đà Nẵng, 45 Mbps thuê của VDC2 ở SG. Nhu cầu băng thông của chúng tôi ngày càng lớn, trong khi cả VTI lẫn VDC đều là những cầu thủ “đá cực rắn”, thật khó thuyết phục họ giảm giá. Hơn bao giờ hết, tôi hiểu rõ sức mạnh của các tổ chức độc quyền và các thiết chế không “driven by profit” tạm gọi là “được lèo lái bởi lợi nhuận”. Mặc dù Việt Nam đã chuyển sang cơ chế thị trường mười mấy năm, nhưng nếu Nhà nước vẫn dung túng cho sự độc quyền thì đó cũng chỉ là “cơ chế thị trường nói xuông” mà thôi. Về thị trường viễn thông quốc tế ở Việt Nam, có thể nói cho đến năm 2005, vẫn là hoàn toàn đóng cửa và độc quyền. Duy nhất có một công ty sở hữu kết nối ra quốc tế là VTI của Tập đoàn VNPT luôn bán hàng với một biểu giá ở mức cao nhất, không mặc cả, không giảm giá mà khách hàng chỉ có thể trông mong vào sự rủ lòng thuơng của Nhà nước khi thi thoảng yêu cầu VNPT điều chỉnh giá. Ngoài ra có thêm một ông con út là VDC của VNPT, bán các kênh IP.

Chính sách bán kết nối quốc tế như vậy dẫn đến chất lượng dịch vụ Internet vô cùng kém và cản trở toàn bộ ngành công nghiệp Internet ở Việt Nam, điều đó thể hiện rõ khi Việt Nam chỉ nối ra quốc tế bằng 02 tuyến cáp quang biển mong manh và liên tục bị đe dọa đứt cáp. Có lần, trong một cuộc gặp gỡ với một vị Lãnh đạo Nhà nước, tôi nói khôi hài là việc Nhà nước duy trì các thể chế kinh doanh độc quyền là một trò chơi vô cùng xa xỉ. Nhà nước đã nuôi một vườn thú toàn những con khủng long. Những con khủng long này to xác, ục ịch, lười nhác đứng trong những ô chấn song được rào chặt, không sợ những con thú khác tấn công nhờ được bảo vệ bằng hàng rào thuế quan cao ngất ngưởng, bằng quyền kinh doanh độc quyền. Và khốn khổ hơn cả, là vườn thú đó nằm chắn ngang con đường độc đạo mà ngày nào người tiêu dùng cũng phải đi ngang qua. Sáng sáng, khủng long chỉ việc thò đầu ra, táp chơi người tiêu dùng, cắn mỗi người một miếng là đã sống khỏe. Khủng long không cần luyện tập cơ bắp, không cần nâng cao kỹ năng săn mồi nhưng vẫn sống no đủ.

Nhưng vườn thú này không thể tồn tại mãi do Việt Nam phải hội nhập, phải vào WTO, bởi áp lực của người tiêu dùng. Khi Nhà nước không còn duy trì hàng rào bảo vệ nữa, khủng long là con vật yếu ớt nhất. Do lâu năm chỉ làm mỗi việc là thò đầu ra táp người tiêu dùng, khủng long đâu có quen với luật chơi nghiệt ngã ngoài hàng rào – nơi đầy những con thú hung dữ khác, mà để tồn tại thì phải chiến đấu, phải giành giật sự sinh tồn. Khủng long sẽ bị những con thú khác cắn xé và quan trọng hơn cả là bị người tiêu dùng tẩy chay vì vết cắn đã thành chai nhưng in hằn mãi mãi. Và khủng long sẽ có số phận của loài khủng long khi kỷ nguyên Jura kết thúc.

Tháng 9 năm 2004, tôi gặp anh Nam – Giám đốc Công ty Truyền dẫn Viettel. Anh Nam cho biết, Viettel được cấp phép xây dựng kết nối quốc tế mới qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc và có giá cước thuê kênh quốc tế hấp dẫn hơn nhiều. Chúng tôi nhanh chóng đi đến hợp đồng đầu tiên – 45 Mbps với giá rẻ bằng một nửa VTI. Chỉ hai tháng sau, tôi đề nghị nâng cấp lên 155 Mbps với giá rẻ bằng 1/4 VTI. Với dung lượng mở rộng, chúng tôi có cơ hội mở rộng kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, câu chuyện về thị trường viễn thông tự do vẫn còn xa vời. Khi trở thành nhà cung cấp quan trọng đối với FPT, phía Viettel cũng nhanh chóng nhiễm căn bệnh độc quyền tương tự như VTI.

Phía Viettel dứt khoát giữ giá, họ cho rằng như thế quá rẻ so với VTI và chúng tôi không còn lựa chọn nào khác nữa. Đàm phán với Viettel cũng là một việc vô cùng khó khăn, không biết có phải do tác phong quân đội không mà mọi việc đều tập trung hết về một đầu mối – anh Hùng – PTGĐ – một người lúc nào cũng bận. Thông thường, tôi hay hẹn gặp được anh Hùng vào lúc 07:00 sáng, khi Anh kết thúc họp trực ban. Tôi vô cùng khâm phục anh và đội Viettel về kỷ luật thép của họ, ngày này họ cũng có thể họp trực ban vào lúc 06:00 sáng. Đàm phán với Viettel đi vào ngõ cụt thì chúng tôi có cứu tinh – EVN Telecom. Sau 5 – 6 năm im tiếng, EVN Telecom có Giám đốc mới – anh Bằng – một người quen cũ đã lắp đặt kênh liên tỉnh HN – SG cho chúng tôi từ năm 1998. EVN Telecom có lợi thế cực lớn khi Tập đoàn Điện lực sở hữu cột điện trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Trên các đường dây cao thế, có sợi chống sét mà lõi của nó là những sợi cáp quang, những đường dây cao thế được bảo vệ tốt, kết nối đến nhiều địa bàn mà rất khó kéo cáp viễn thông. Viettel cũng ký sinh trên rất nhiều tuyến cáp của EVN và khi Viettel xây dựng kết nối quốc tế qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc, EVN Telecom đương nhiên có mặt và sở hữu dung lượng tương tự.

EVN Telecom muốn tiến mạnh vào lĩnh vực thuê kênh, giá của họ rất hấp dẫn, tôi lập tức ký thuê dung lượng lớn trên tuyến cáp của họ với giá chỉ bằng 2/3 giá của Viettel. Tôi gửi cho Viettel một tối hậu thư sẽ chuyển hết các kết nối sang EVN Telecom nếu họ không giảm giá. Viettel im lặng, chỉ vài giờ trước khi đến hạn cuối cùng của tối hậu thư, Viettel mới đồng ý đáp ứng yêu cầu của chúng tôi. Tôi đùa là Viettel chỉ chịu thương lượng khi bị chĩa súng. Với EVN Telecom và Viettel, chúng tôi lúc nào cũng có nhiều hơn một lựa chọn, chúng tôi biết, họ kiếm được rất nhiều tiền từ FPT khi dung lượng kết nối Internet của chúng tôi tăng gấp 5 – 6 lần mỗi năm. Tôi nói với các đồng nghiệp, FPT làm viễn thông như một kẻ ăn mày, hàng ngày nhặt nhạnh tiền lẻ từ hàng trăm ngàn khách hàng, đến tối, cả họ nhà chúng tôi đổ ống bơ ra cộng sổ, phần này nộp anh Bằng, phần kia nộp anh Hùng và buồn thay các anh thu mất phần nhiều.

Chúng tôi đã tồn tại bằng cách xoay sở và đánh đu giữa hai ông lớn đến tận tháng 10 năm 2007. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp sau khi tiếp nhận nhiệm sở tại Bộ Thông tin Truyền thông đã thay đổi chủ trương cấp phép của người tiền nhiệm. Ngày 12 tháng 10 năm 2007, FPT được cấp phép xây dựng kết nối liên tỉnh và quốc tế. Chúng tôi lập tức bắt tay vào việc. Chúng tôi lục lọi dữ liệu và mọi tuyến cáp quang quốc tế đang xây dựng và có thể cập bờ ở Việt Nam. Lựa chọn khả thi duy nhất hiện nay là AAG – Asia America Gateway – dung lượng 1.92 Tbps dài 19.000 km, vốn đầu tư là 560 triệu USD nối Châu Á với Mỹ. Tôi lập tức nộp đơn xin gia nhập consortium AAG do Telekom Malaysia và AT&T đứng đầu cùng 18 công ty viễn thông hàng đầu khu vực. Các nhân viên điều hành AAG thật chuyên nghiệp, họ lập tức thụ lý đơn của chúng tôi. Với tư cách một consortium quốc tế, họ chào đón tất các thành viên có thể tham gia. Có người góp thêm tiền, cùng chia sẻ rủi ro, cùng chung sức xây dựng thì mừng còn không hết nữa là. AAG thông báo, theo điều lệ của họ, đơn xin gia nhập của FPT phải được các thành viên sáng lập đồng thuận ủng hộ. Tôi vô cùng lo ngại khi VNPT là một thành viên sáng lập.

Và đúng như tôi lo ngại, VNPT phản đối kịch liệt việc cho phép FPT tham gia AAG consortium. Các đồng Chủ tịch AAG đã hết sức giúp đỡ chúng tôi, họ đã thuyết phục hầu hết các thành viên bỏ phiếu ủng hộ FPT, chỉ còn duy nhất VNPT không đồng ý. Xử lý một cách chuyên nghiệp, Ban điều hành AAG yêu cầu VNPT giải thích lý do tại sao họ phản đối, VNPT nêu nhiều lý do nhưng đều bị Ban điều hành phân tích, lý giải, bác bỏ và khi không còn một nguyên do nào nữa, VNPT đành đồng ý với đề nghị của Ban Điều hành. Sự phản đối của VNPT đã có tác dụng, họ đã làm chúng tôi trễ mất thời hạn được hưởng giá ưu đãi cuối cùng là 30 tháng 11 năm 2007 – ngày sinh nhật con trai thứ hai của tôi. FPT phải chịu giá đắt hơn 2.5% tương đương với việc chúng tôi bị giảm mất 01 Gbps kết nối quốc tế trong suốt thời gian vận hành của tuyến cáp quang AAG. Chúng tôi sẽ có 40 Gbps trên tuyến cáp quang này. Với điểm tựa AAG, chúng tôi tiếp tục hành quân lên biên giới Việt Nam – Trung Quốc, chúng tôi nhanh chóng đạt được thỏa thuận với China Telecom, China Netcom để kết nối qua Đại lục tới Hồng Kông, Thượng Hải. Chúng tôi sẽ có 20 Gbps trên hai tuyến cáp kết nối tại Lạng Sơn, Lào Cai. Sau 11 năm, ráng sống và cố sống, chúng tôi đã có được cơ hội để tự làm chủ hoạt động kinh doanh của mình. 7.5 Gbps kết nối ra quốc tế chỉ là bước tăng tốc đầu tiên, tôi ước đoán, chỉ một năm tới, chúng tôi sẽ nâng tốc độ kết nối ra quốc tế lên hàng chục, thậm chí hàng trăm Gbps và cam kết của chúng tôi là chất lượng dịch vụ Internet ở Việt Nam sẽ thực sự ở mặt bằng quốc tế./.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: